Học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Biên bản thỏa thuận hợp tác, UBND tỉnh Nghệ An và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp triển khai “Dự án hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp tại Nghệ An”. Theo đó, trong quá trình thực hiện, hàng năm JICA sẽ tổ chức cho các đoàn cán bộ của Nghệ An sang học tập, trao đổi kinh nghiệm áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Hiện thực hóa chương trình, UBND tỉnh vừa cử đoàn cán bộ tham gia khóa đào tạo “Phát triển năng lực của cán bộ địa phương, công ty tư nhân và nhà sản xuất để thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm ở tỉnh Nghệ An” tại Nhật Bản từ ngày 29/9-8/10. Các học viên tham gia khóa đào tạo là cán bộ các sở, ban, ngành thuộc Dự án hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp tại Nghệ An và 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong thời gian tại Nhật Bản, các học viên được tiếp nhận chương trình đào tạo phong phú nhằm tăng cường khả năng lập kế hoạch và quản lý cho các cán bộ, triển khai kế hoạch kinh doanh cũng như phát triển năng lực quản lý và kỹ thuật sản xuất cho các công ty tư nhân.
Đại diện các doanh nghiệp Nghệ An tham quan thực tế tại nhà máy sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản. |
Trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn với những chuyến thực địa tại Hiệp hội HTX nông nghiệp, thăm nông dân sản xuất theo hợp đồng và hợp tác xã, chợ Ota, tỉnh Ibaragi, Phòng xúc tiến thị trường ở trụ sở Tokyo, các đơn vị phân phối, chế biến, phân phối, bán lẻ sản phẩm nông nghiệp... các thành viên có thể học hỏi một cách có hệ thống, trải nghiệm thực tế và “thuộc bài” hơn.
Ông Trương Minh Châu - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, khoa học công nghệ, Sở NN&PTNT tỉnh, Trưởng đoàn tham gia khóa đào tạo cho biết: “Mục đích của chương trình đào tạo nhằm tìm hiểu tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và thị trường tại Nhật Bản thông qua các bài giảng và các chuyến đi thực địa. Qua khóa đào tạo, các học viên được tham gia tích cực vào các hoạt động và lập kế hoạch hành động cho diễn đàn thị trường nông nghiệp để tiếp tục công việc của mình sau khi hoàn thành dự án”.
Hướng đến mục tiêu bền vững
JICA là tổ chức có nhiều dự án tài trợ cho tỉnh Nghệ An, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, JICA đang triển khai “Dự án Hợp tác kỹ thuật trong việc hoạch định kế hoạch, thúc đẩy và phát triển nông nghiệp Nghệ An” với mục tiêu tăng cường phương án sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng bền vững đối với các cơ quan tư nhân và Nhà nước có liên quan. Dự án được thực hiện với mục đích áp dụng mô hình “sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng” thành nền tảng xây dựng chuỗi giá trị lương thực tại Nghệ An, nhằm giúp nâng cao vị thế của nông sản tỉnh nhà trên thị trường nông sản thế giới.
Tìm hiểu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản. |
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu của dự án, trong khuôn khổ của khóa đào tạo, các cán bộ và doanh nghiệp của Nghệ An học tập về lịch sử hình thành các hợp tác xã, cách thức hoạt động của liên minh các hợp tác xã và các chợ đầu mối; quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, họ còn được tìm hiểu vai trò của Nhà nước và các thành viên trong chuỗi giá trị thực phẩm, so sánh cách thức từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản và Nghệ An, từ đó có kế hoạch, lộ trình thực hiện dự án ở Nghệ An một cách hiệu quả nhất.
Theo đánh giá của các thành viên tham gia khóa đào tạo thì sản xuất của hộ nông dân ở Nhật Bản theo hợp đồng, tự sơ chế, đóng gói, còn ở Nghệ An chưa sản xuất theo hợp đồng, chưa có sơ chế. Vai trò của hợp tác xã ở Nhật Bản cung cấp đầu ra, đầu vào theo hình thức mua chung, bán chung còn ở Nghệ An thì vai trò của HTX chưa rõ nét, đặc biệt là hoạt động bán chung đang rất kém.
Liên minh HTX ở Nhật Bản nhận ủy thác của HTX đưa các chợ đầu mối, lương cho bộ máy là do lợi nhuận từ dịch vụ nhận ủy thác đem lại còn Liên minh HTX ở Nghệ An tư vấn kinh tế, đào tạo cán bộ cho HTX, không có vai trò trong tiêu thụ sản phẩm cho HTX và lương do Nhà nước chi trả.
Còn trong thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm ở Nhật Bản khâu đầu tư, sản xuất thì HTX cung cấp giống phân bón, thuốc BVTV và hỗ trợ kỹ thuật, hộ nông dân sản xuất theo hợp đồng, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, HTX thực hiện mua chung, bán chung, hộ dân tự sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến HTX hoặc doanh nghiệp. Về chế biến và tiêu thụ thì doanh nghiệp ở Nhật Bản đa dạng hóa sản phẩm rất nhiều, thị trường ổn định, có hệ thống, có đối tượng. Trong khi đó, ở Nghệ An, từng hộ gia đình tự lựa chọn đầu vào, vai trò của HTX chưa rõ nét.
Chuyên gia Nhật ăn bắp xà lách Mỹ ngon lành trên đồng rau Đà Lạt. Ảnh Internet |
Về thực hiện chuỗi giá trị thực phẩm, ở Nghệ An đã manh nha xây dựng chuỗi thực phẩm trứng gà và rau sạch, hiện tỉnh đang triển khai nhiều dự án thí điểm thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm hiệu quả theo nhu cầu thị trường như cây chanh leo, phát triển thương hiệu gà đồi Thanh Chương. Theo đó, Dự án Hợp tác kỹ thuật trong việc hoạch định kế hoạch, thúc đẩy và phát triển nông nghiệp Nghệ An sẽ hỗ trợ từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ và xuất khẩu sang Nhật Bản và năm 2017 sẽ tiến hành xây dựng một số chuỗi thịt lợn, cây lạc...
Ông Trương Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi may mắn được tham gia chuyến đào tạo tại Nhật Bản vừa qua, học tập rất nhiều trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tại Nghệ An, nhất là công nghệ bảo quản sau thu hoạch và vấn đề thị trường đầu ra của sản phẩm”.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “JICA đã lựa chọn Nghệ An là một trong hai tỉnh của cả nước để hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó hướng đến ngành Nông nghiệp tỉnh có những sản phẩm chất lượng, tăng giá trị sản xuất. Qua chuyến đào tạo của cán bộ và doanh nghiệp tại Nhật Bản vừa qua cho thấy nông nghiệp là kênh hợp tác hiệu quả, thiết thực giữa Nghệ An và Nhật Bản. Đây là cơ hội, điều kiện để cán bộ, doanh nghiệp nâng cao chuyên môn, xây dựng lập kế hoạch định hướng cho phát triển nông nghiệp của Nghệ An. Đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp”. |
Theo Thanh Lê/Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã