Ở nước ta, những năm gần đây, việc thu hồi đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng diễn ra ngày càng nhiều, với quy mô lớn. Bình quân mỗi năm có khoảng 73 nghìn ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ cho công cuộc CNH, HÐH đất nước. Ðiều đó ảnh hưởng tới đời sống và việc làm của hơn ba triệu nông dân, tương đương với khoảng 800 nghìn hộ gia đình.
Với nhiều lý do khác nhau cho nên chỉ khoảng 80% số nông dân này có việc làm, còn khoảng 20% chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Thu nhập của khoảng 50% số hộ nông dân bị suy giảm. Hoạt động hỗ trợ vay vốn chưa gắn chặt với các hoạt động dạy nghề, khuyến nông; khả năng chống đỡ của người nông dân trước những biến cố về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau và những rủi ro trong cuộc sống còn hạn chế... Thêm nữa, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn có xu hướng tăng (năm 2013 gần 9%).
Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015, lực lượng lao động xã hội nước ta sẽ đạt xấp xỉ 56 triệu. Trong đó tỷ trọng lao động nông nghiệp sẽ giảm, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng dịch vụ. Chưa bao giờ vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn lại được Ðảng và Nhà nước quan tâm như hiện nay, bởi không thể có một nông thôn mới, một nước có nền công nghiệp hiện đại khi hàng triệu lao động nông dân không có tay nghề vững vàng.
Trong giai đoạn hiện nay, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần có tư duy mới, giải pháp hoàn thiện, hiệu quả hơn. Cần hướng mạnh vào trọng tâm, trọng điểm và cách làm mới, phương châm là không đào tạo tràn lan, mà phải đào tạo phù hợp nhu cầu từng địa phương (huyện, tỉnh), có kết nối với chương trình việc làm quốc gia. Với các giải pháp cơ bản cần tập trung: Xây dựng và triển khai dự án về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị. Ðây là giải pháp có tính cấp bách, cần được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tránh tình trạng người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập, cần có kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất; tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động; Liên kết nhà nông, doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề, đây là giải pháp có tính xã hội hóa. Sự liên kết giữa họ với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm "đầu ra" của công tác đào tạo; Cần kết hợp "truyền nghề" với đào tạo chính quy; hỗ trợ cho vay vốn để học nghề, nhất là đối với các hộ nông dân nghèo. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi để người dân sau khi đi học nghề có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp được xây dựng trên đồng ruộng trước đây của họ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã