Tiếp sức trên biển
Thạch Kim có 109 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó, có 27 tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV. Nhờ hạ tầng cảng cá Cửa Sót được đầu tư bài bản đã "hút" các tàu thuyền ở tỉnh khác về đây cập bến, kéo theo dịch vụ hậu cầu nghề cá phát triển, sôi động nhất tỉnh.
Con tàu dịch vụ xăng dầu của Công ty TNHH Đồng Tiến vừa cập cảng Cửa Sót sau một chuyến hành trình ra biển cung ứng nhiêu liệu cho các tàu đánh cá. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc công ty cho biết: Hàng ngày, tàu đi dọc khu vực vùng biển Cửa Sót hoặc đậu tại cảng để phục vụ xăng dầu cho bà con ngư dân. Nhiều lúc, các tàu thuyền đang khai thác trên biển may mắn gặp được luồng cá lớn, muốn bám biển "dài hơi" hơn thì tàu có mặt kịp thời tiếp thêm nhiên liệu. Ngoài lợi nhuận, chúng tôi cũng cảm thấy rất vui bởi đã "tiếp sức" cho ngư dân đánh bắt được nhiều cá, mực hơn.
"Ngoài dịch vụ chính là cung ứng xăng dầu, chúng tôi còn cung cấp nước khoáng cho bà con ngư dân khi đang khai thác trên biển. Bên cạnh đó, tôi "khuyến mại" bằng bơm nước ngọt miễn phí cho các tàu thuyền để ngư dân có nước sinh hoạt ngay trên tàu" - ông Dũng thông tin thêm.
Ngư dân Nguyễn Anh Tuấn (xã Thạch Kim) bày tỏ niềm tin: Trên biển, chúng tôi không đơn độc. Trước mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi thường chuẩn bị dầu, nước ngọt và các nhu yếu phẩm theo kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều khi nguồn dự phòng hết vì gặp luồng cá hay những vấn đề khác. Lúc này, những chiếc tàu dịch vụ là cứu cánh, cho chúng tôi thêm "năng lượng" để bám biển.
Hỗ trợ trên bờ
Cùng với những dịch vụ tiếp sức trên biển, hậu cần nghề cá trên bờ cũng là động lực lớn để những con tàu mạnh mẽ vươn khơi. Sản phẩm hải sản của ngư dân Thạch Kim đều được tiêu thụ hết bởi trên địa bàn có tới 15 cơ sở thu mua chế biến hải sản đông lạnh với quy mô lớn. Hàng ngày, bình quân mỗi cơ sở thu mua 3 - 4 tấn hải sản các loại đem đi xuất khẩu.
Chị Trần Thị Tứ - Chủ cơ sở đông lạnh Toàn Tứ ở xóm Xuân Phượng, cho hay: Cơ sở của chị được đầu tư gần 6 tỷ đồng, trong đó có 5 kho cấp đông có công suất lớn. Mỗi ngày, chị thu mua từ 10 - 15 tấn cá, mực tươi các loại để chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, bà con ngư dân ở đây không phải lo lắng về thị trường đầu ra, yên tâm bám biển khai thác. Những tháng gần đây, giá hải sản tăng cao so với năm trước từ 10 - 15% nên ngư dân rất phấn khởi.
Ngoài 3 công ty, DN dịch vụ xăng dầu, các cơ sở thu mua chế biến hải sản, trên địa bàn xã Thạch Kim còn có HTX chế biến xuất nhập khẩu thủy hải sản Thiên Phú, HTX đóng tàu Hải Hà; nhiều cơ sở cung cấp đá lạnh và ngư lưới cụ cho bà con ngư dân. Hầu hết ngư dân đều ở đây đều hài lòng với các dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, nâng giá trị sản xuất trong đánh bắt hải sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Biện Ngọc Cường, dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thạch Kim luôn duy trì và phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập khá cao. Đây chính là động lực quan trọng, tạo tiền đề để kinh tế biển ngày càng phát triển bền vững.
Không những thế, dịch vụ hậu cần nghề cá còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm của xã đạt trên 2.000 tấn với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá nục, cá trồi, cá chụa và các loại mực, tôm, ốc hương... Đời sống ngư dân Thạch Kim ngày càng được cải thiện, kinh tế - xã hội địa phương vùng biển thêm nhiều khởi sắc.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã