HTX Đồng Phong tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất chuyên canh cây lạc |
Theo đó trên lĩnh vực trồng trọt Nho Quan đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như vùng chuyên canh cây công nghiệp sắn, mía, dứa ở xã Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương; nuôi trồng thủy hải sản ở Thượng Hòa, Sơn Thành, Thanh Lạc, Phú Lộc, Văn Phú… Khoa học Công nghệ được đẩy mạnh để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là việc triển khai áp dụng các mô hình mới đem lại hiệu quả cao như mô hình áp dụng kỹ thuật gieo thẳng; áp dụng giống lúa kháng bệnh bạc lá TH3-7, nếp 97; mô hình tưới tiết kiệm trên cây ăn quả, cây dược liệu.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao được quan tâm chú trọng. Đến hết năm 2017, toàn huyện đã chuyển đổi gần 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế trang trại, gia trại đưa vào sản xuất các cây ăn quả, rau, lợn, gà…đem lại hiệu quả ổn định hơn so với trồng lúa và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Năm 2017, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 90,12 triệu đồng/ha, tăng 8,62 triệu đồng so với năm 2014, tăng 1,82 triệu đồng so với năm 2016.
Đặc biệt, huyện Nho Quan đã khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Hiện nay toàn huyện đã có 7 doanh nghiệp thuê đất với tổng diện tích 128 ha để canh tác, chủ yếu là các loại rau củ quả, cây dược liệu…qua đánh giá trồng cây dược liệu giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 360 triệu đồng, khoai tây đạt 75.600.000đ/ha/vụ; khoai sọ đạt 168.000.000 đ/ha/vụ.
Nho Quan đã tích tụ ruộng đất cho nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loại rau củ quả, nhất là cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao |
Lĩnh vực chăn nuôi được tập trung phát triển theo hướng nâng cao giá trị, chú trọng công tác cải tạo đàn giống, cải tiến quy trình nuôi, giám sát và phòng trừ dịch bệnh; nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn để tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm thịt; từng bước hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh con nuôi đặc sản gắn với lợi thế của vùng.
Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ cũng được huyện khuyến khích phát triển, đẩy mạnh hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác, tổ liên kết về cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện đã hình thành được các HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả với đầu ra ổn định như tổ hợp tác chăn nuôi Gà thịt tại xã Đồng Phong, HTX Măng tây, xã Văn Phong, HTX Dược liệu, xã Cúc Phương, tổ hợp tác trồng Rau, củ, quả; tổ hợp tác Chăn nuôi dê; tổ hợp tác Thủy sản. Hầu hết các tổ hợp tác, HTX nuôi trồng đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
5 năm qua, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã đưa giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp huyện Nho Quan tăng trưởng ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Hoàng Long (nbtv.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã