Đó là nông dân Bùi Văn Mười (52 tuổi, ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) chuyên trồng nấm và sản xuất cung cấp phôi nấm. Là người năng động, ham tìm tòi, ông Mười đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật làm công nghệ nhà màng trên diện tích 3.000 m2 để trồng và thu hoạch 100kg nấm/ngày, đồng thời sản xuất 2.300 - 2.500 phôi nấm/ngày. Hỏi về thu nhập, ông Mười không ngần ngại: “Mỗi năm tui thu về 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Ban đầu chỉ trồng nấm, sau đó tôi thấy nhà màng có thể sản xuất phôi, lại thấy con em trong xóm chưa có việc làm nên tui tuyển 10 nông dân trẻ phụ việc, các em cũng có thu nhập thường xuyên từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng”.
Không kém cạnh phái mạnh, nữ nông dân Trần Thị Phước (61 tuổi, khu phố 4, phường Tam Bình, quận Thủ Ðức) biết tận dụng quỹ đất nông nghiệp không còn nhiều để chuyên sản xuất bon-sai và hoa kiểng. Là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đạt chuẩn cấp thành phố, giai đoạn 2012-2016, bà Phước rất tích cực thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, luôn tìm hiểu kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra những loại cây kiểng bon-sai có giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập 450 triệu đồng/năm/ diện tích canh tác 1.000 m2, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động. Là một người mẹ, người phụ nữ chân chất cả đời gắn bó với đồng ruộng, bà Phước thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân, thấy những hội viên không còn nhiều đất và không có khả năng đối diện với đô thị hóa, bà giúp đỡ vốn cho 20 hội viên nghèo; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho 22 người, qua đó giúp bà con thoát nghèo hiệu quả. Hay nữ nông dân Lê Thị Mỹ Nữ (thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) sản xuất, kinh doanh bánh tráng từ năm 2016 đến nay. Sau hơn một năm hoạt động, cơ sở của chị đã mở rộng diện tích sản xuất lên 6.000 m2. Hằng năm chị đạt doanh thu khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận
360 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn cho 30 chị em trong vùng.
Theo Hội Nông dân thành phố, năm qua, tổng nguồn vốn hỗ trợ nông dân là 122 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, đã có 1.815 hộ nông dân vay để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ... Tuy nhiên, ngoài nguồn vốn từ Nhà nước và các tổ chức, nguồn vốn từ nông dân giúp nông dân là rất tích cực, bởi ngoài được vay, người nông dân nghèo còn được học hỏi, hướng dẫn, thực hành từ “thầy giáo” là người cho vay, và việc thu hồi vốn sẽ tương đối thuận lợi. Trong công tác hỗ trợ nông dân học nghề và giải quyết việc làm, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức 51 lớp đào tạo nghề cho 1.723 hội viên nông dân (chăn nuôi, thú y, trồng và chăm sóc vườn cây cảnh, phong lan, tạo dáng bon-sai, cá kiểng, cá thịt, rau an toàn, kỹ thuật sử dụng phân bón...). Hiệu quả của công tác hỗ trợ nông dân thể hiện qua sự phát triển sản xuất trong phong trào trồng hoa lan, hoa mai, nuôi bò thịt, bò sữa, cá cảnh, cá thịt. Như đã nói, “học thầy không tày học bạn”, các nhà nông dạy nghề cho nhau, giúp nhau làm ăn, tạo vận hội sản xuất, kinh doanh nuôi trồng… chính là hình mẫu của những nhà nông hiện đại, nghĩa tình.
Còn trẻ và có ý chí, nông dân Huỳnh Văn Mẫn (42 tuổi, khu phố 8, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) đã chọn mô hình trồng hoa ly, hoa nền và chăn nuôi bò sữa để bổ trợ qua lại. Mẫn là người tiên phong ở quận dùng máy vắt sữa bò, gắn hệ thống phun sương trên mái chuồng bò, kết quả kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao với tổng đàn 70 con bò sữa. Nguồn phân từ bò, anh tái đầu tư cho 3.000 m2 hoa kiểng và vùng trồng cỏ, từ đó lại có thực phẩm xanh chăm đàn bò. Với cách làm này, mỗi năm Mẫn thu nhập 250 triệu đồng. Thành công của mình, Mẫn đã nhiệt tình hỗ trợ bò giống và đến từng hộ nông dân nghèo trong vùng phổ biến kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, giúp nhau cùng phát triển kinh tế. Tin vui là Mẫn vừa nhận Bằng khen của UBND thành phố “Vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2012-2016) góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố”.
Cũng vừa nhận Bằng khen của Hội Nông dân thành phố, nhà nông Nguyễn Ðình Phong (47 tuổi, ấp 4 xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) là thành viên Tổ hợp tác ươm cây lâm nghiệp. Hiện nay, gia đình Phong ươm nhiều loại cây giống: bạch đàn, tràm, xà cừ, sao, dầu,… trên diện tích canh tác 3.000 m2, với năng suất đạt một triệu cây giống, thu nhập 220 triệu đồng/năm. Mô hình của Phong đã tạo việc làm cho 28 lao động nông nhàn. Ngoài ra, Phong còn hỗ trợ các nông dân nghèo khác 10 kg gạo/người/tháng. Theo Hội Nông dân xã Phạm Văn Hai, Phong và gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào, các hoạt động của địa phương nơi cư trú; thường xuyên giúp nông dân về kỹ thuật ươm cây giống, tư vấn kỹ thuật trồng các loại cây (hỗ trợ cây giống cho hộ nông dân nghèo tại địa phương 14 hộ (600 cây/hộ); thường xuyên giải quyết, giúp đỡ bà con tìm đầu ra cho sản phẩm giống cây lâm nghiệp, cây ăn trái.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Ðoàn Văn Thanh, hướng tới Hội sẽ tiếp tục nỗ lực đề xuất, kiến nghị với đề án được duyệt hỗ trợ nông dân về vốn đến 300 tỷ đồng, giúp hội viên nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh và dạy nghề, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị phát triển hiệu quả, bền vững, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đại, nâng cao thu nhập và đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn.
Theo nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã