Anh Taka vui vẻ trao đổi về phương pháp canh tác hoa công nghệ cao với những người công nhân bản địa
Vào rừng lập trang trại
Giữa cánh rừng thông trong thung lũng Đa Nhim (cách Đà Lạt khoảng 30 km) trang trại dâu tây Hàn Quốc nằm cách biệt với buôn làng người K’Ho. Như bao nông trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khác tại Lâm Đồng, vườn dâu tây của chàng nông dân người Hàn Quốc Son Sang Hyeon (42 tuổi) cũng được bao kín bằng nhà kính hiện đại để ngăn côn trùng.
Không chỉ bao kín bằng nhà kính, dưới nền đất cũng được phủ bạt và có công nhân lau sạch mỗi ngày. Các giàn đỡ chậu dâu tây được thiết kế bằng khung thép không gỉ, cao cách mặt đất gần 1m để tránh côn trùng và các vi sinh vật gây hại. Hầu hết những thiết bị như nhà kính, máy móc, giá đỡ, màng phủ… đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc sang lắp đặt, vốn đầu tư lên tới 700 triệu đồng cho 1.000m2 nhà kính.
Trước khi quyết định mở trang trại trồng dâu tây, ông chủ người Hàn Quốc đã tìm hiểu nhiều vườn dâu tại Đà Lạt cũng như khí hậu, thổ nhưỡng các vùng ngoại ô xung quanh. Son Sang Hyeon cho rằng, tại Đà Lạt và các vùng lân cận có thể trồng dâu quanh năm, khác hẳn với Hàn Quốc - chỉ có thể trồng dâu tây vào mùa đông, còn mùa hè không trồng được. “Tuy nhiên để tạo sự khác biệt tôi đã đem cây giống có nguồn gốc từ Hàn Quốc sang và được cơ quan chuyên môn kiểm dịch an toàn, hiện nay cả giống dâu tây mùa đông và mùa hè đều sinh trưởng tốt, cho ra những sản phẩm có chất lượng cao và khác hẳn với những loại dâu mà người dân Đà Lạt đang trồng”, ông Son cho hay.
Cũng chung “chí hướng” sản xuất nông sản sạch, ông Low Kok Chiang (K.C Low, 71 tuổi, quốc tịch Singapore) đã cùng vợ người Việt lập trang trại Tượng Sơn trồng rau hữu cơ dưới chân núi Voi (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng - cửa ngõ Đà Lạt). Năm 2015, hai ông bà khăn gói lên Định An để lập trang trại Tượng Sơn, thực hiện giấc mơ trồng rau hữu cơ. K.C Low chia sẻ: “Tôi đi nhiều nơi nhưng thấy đất nước các bạn, đặc biệt là cao nguyên Đà Lạt có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Điều mà ở Singapore chúng tôi rất khó thực hiện được”.
Chàng nông dân người Hàn Quốc Son Sang Hyeon trực tiếp thu hoạch dâu tây tại trang trại ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương
Hiện nay, toàn trang trại Tượng Sơn có diện tích 4 ha, trong đó có 1 ha nhà kính đang trồng hơn 100 loại rau củ khác nhau. Các khu vực sản xuất, canh tác và khử trùng đất đều được xây dựng tách biệt. Nhà xưởng sơ chế rau luôn giữ nhiệt độ dưới 10 độ C và được khử trùng hoàn toàn theo chuẩn ISO:22000, dành cho nhà máy chế biến thực phẩm. Trang trại Tượng Sơn đã được Tổ chức Control Uni-on cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ.
Nông dân người Nhật trồng hoa xuất khẩu
Xuất thân từ đất nước Mặt trời mọc, anh Takahiro Nunome (35 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) không ngại khoảng cách địa lý xa xôi đến xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương) để trồng hoa. Chàng kỹ sư nông nghiệp chân đất này được mọi người gọi cách thân thương là Taka.
Khi Mặt trời vừa vươn ra khỏi dãy núi, Taka vội xỏ đôi ủng, đội nón và bắt tay vào vườn cẩm chướng đang hé nở. Hằng ngày anh đều trực tiếp xuống vườn quan sát, hướng dẫn nông dân phương pháp chăm sóc, thu hoạch hoa đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Taka nhận xét: “Đà Lạt và các vùng lân cận được thiên nhiên ưu đãi khí hậu rất tuyệt vời, có thể trồng rau hoa quanh năm, khác hẳn ở đất nước chúng tôi, khí hậu khắc nghiệt và muốn canh tác rau hoa phải tốn chi phí gấp 10 lần ở đây”.
Nông dân Taka hướng dẫn người lao động kỹ thuật đóng gói hoa cẩm chướng xuất khẩu tại trang trại
“Sự nghiệp” làm nông dân của Taka ở xứ sở sương mù bắt đầu từ năm 2016. Anh hiện là giám đốc sản xuất của Công ty Pan Saladbowl, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý trang trại hoa công nghệ cao ở Đa Nhim. Theo chị Hà Thị Thu Thùy (giám sát sản xuất của trang trại Đa Nhim), trong thời gian công tác tại đây, Taka tận tình hướng dẫn công nhân về kỹ thuật canh tác và không quên rèn cho công nhân về tác phong làm việc ngày càng chuyên nghiệp. “Hằng ngày anh Taka thường xuyên tiếp xúc vui vẻ, hòa đồng với các anh chị em trong trang trại nên ai cũng quý mến và đoàn kết trong lao động, sản xuất”, chị Thuỳ cho hay.
Hiện nay, mỗi tháng trang trại hoa Đa Nhim sản xuất gần 200 ngàn cành hoa cẩm chướng và hoa cúc, trong đó 2/3 được xuất khẩu qua Nhật Bản. Trong đó gồm khoảng 70 giống hoa cẩm chướng và 50 giống hoa cúc nhập khẩu từ các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Colombia và Nhật Bản. Tất cả loại hoa được canh tác bằng kỹ thuật hiện đại, áp dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu, ngay cả thị trường khó tính như Nhật Bản. Chàng nông dân đến từ Nhật Bản chia sẻ: “Hoa xuất xứ từ Đà Lạt được thị trường Nhật Bản đánh giá rất cao nhưng muốn xuất khẩu được, nông dân Đà Lạt phải tổ chức lại khâu sản xuất và đầu tư đầy đủ các trang thiết bị bảo quản sau thu hoạch. Có như vậy, con đường để đi từ trang trại đến thị trường Nhật Bản mới rộng mở”.
Theo Báo Văn hóa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã