Giá rau củ họ thập tự (ưa lạnh) như su hào, cải củ, cải bắp khá thấp, thậm chí có nơi giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại một số vựa rau của Hà Nội và Hải Dương, diện tích rau thập tự còn lại rất ít.
Những ngày qua, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) bỗng nổi như cồn trên báo, gắn với hình ảnh người nông dân tự tay nhổ bỏ cải củ vì giá… rẻ như cho.
Nông dân chỉ nhổ bỏ diện tích cải củ quá già, cây mọc hoa, củ xốp không ăn được |
Thăm đồng cùng chúng tôi, ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao chia sẻ: Về mặt hiện tượng thì nhà báo viết không sai. Bởi trong tổng số 80ha sản xuất cải củ của HTX, nông dân đã nhổ bỏ và tiêu hủy trên 10ha.
Nguyên nhân do dịp Tết Nguyên đán, phần lớn đội ngũ công nhân viên chức, người lao động, các bếp ăn trường học và các thương lái nghỉ làm việc. Những thửa ruộng cải củ trồng gối vụ lứa thứ 5 (vụ đông muộn) không được thu hoạch kịp thời nên già cỗi, xốp ruột và không ăn được, nông dân buộc phải nhổ bỏ, tiêu hủy để sản xuất vụ mới. Bên cạnh đó, sau tết thời tiết khá ấm, hầu hết các loại cây trồng vụ đông sinh trưởng nhanh. Sản lượng rau, củ tăng đột biến dẫn đến cung vượt cầu. Từ sau Tết Mậu Tuất, giá su hào, bắp cải, cải củ liên tục giảm mạnh.
Hiện tại nông dân trồng rau củ họ thập tự đang gặp khó khăn, thậm chí lỗ. Ông Kỳ cho biết: Đó là chuyện rất bình thường. Vì trên một cánh đồng rộng lớn, mỗi năm bà con luân phiên nhau trồng gối 5 lứa cải củ. Xét về quy luật biến động giá cả thị trường, trung bình mỗi năm có 2 lứa bán được giá cao (nông dân bán tại ruộng cho thương lái 16 – 17 triệu đồng/sào/lứa); 2 lứa bán được giá trung bình (8 – 10 triệu đồng/sào) và 1 lứa bán được giá thấp, thậm chí là lỗ. Tổng chi phí đầu tư (giống, phân bón, thuốc BVTV…) một lứa cải củ khoảng 2,5 triệu đồng (năng suất trung bình 1 sào khoảng 3 tấn củ). Nếu bán với giá 1.000 đồng/kg tại ruộng như hiện nay, nông dân không lỗ (nếu không tính công lao động vào giá thành sản xuất).
Trong vụ đông 2017, hầu hết các lứa cải củ đã được thu hoạch trước Tết với giá bán buôn 16 triệu đồng/sào (mỗi sào thu được 2 lứa giá cao). Như vậy, bình quân mỗi sào vẫn lãi hơn 20 triệu đồng (trên 500 triệu đồng/sào/năm).
“Nhìn chung bà con thu hoạch lứa nọ bù lứa kia thì vẫn có lợi nhuận cao. Không có chuyện nông dân rao bán 500 đồng/kg cải củ mà không có người mua. Chuyện đó là chưa chính xác”, ông Kỳ khẳng định.
Không có chuyện nông dân rao bán 500 đồng/kg cải củ mà không có người mua |
Ngoài cải củ và cải bắp, thời điểm này su hào cũng rớt giá khi giá bán tại ruộng chỉ 500 đồng/củ. Bà Lê Thị Hằng, nông dân vùng sản xuất rau an toàn thôn Yên Nhân, xã Tiên Phong, huyện Mê Linh cho biết với giá bán như hiện nay, nông dân đang lỗ khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, rất may là các lứa su hào trước đó, giá bán rất cao. Ví dụ, cách đây 2 tháng, bà con giao buôn cho thương lái 6.000 đồng/củ su sào, với mật độ trồng khoảng 2.000 cây/sào, tổng thu là 12 triệu đồng, trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 8 – 9 triệu đồng/sào/lứa. Theo nguyên tắc lứa trước bù lứa sau, nông dân vẫn có lãi.
Từ sau tết lại đây, một số loại rau củ họ thập tự giá khá rẻ. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hà, PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương, “cơn bão giá” của các đối tượng rau củ trên không ảnh hưởng quá nhiều như nhiều người nói.
Trước thông tin một số nông dân nhổ bỏ cải bắp, su hào vì giá rẻ như cho, bà Hà cho biết: “Đúng là có hiện tượng trên. Tuy nhiên, không phổ biến, chỉ ở phạm vi nhỏ”.
Giá su hào tại các chợ đầu mối phía Bắc khá rẻ, giao buôn chỉ 500 đồng/kg |
Nguyên nhân, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết ấm nên rau phát triển nhanh. Trung bình, su hào, cải bắp phải hơn 2 tháng mới cho thu hoạch, nhưng do trời ấm, su hào chỉ 50 ngày đã bán được khiến nguồn cung rau ra thị trường quá dồn dập. Vụ đông năm 2017, tỉnh Hải Dương tập trung phát triển một số đối tượng cây trồng chính là cà rốt (1.200ha), hành và tỏi (5.200ha), cải bắp (1.700ha), su hào (1.400ha). Hầu hết các lứa rau vụ đông đã được thu hoạch trước tết, với giá bán rất cao.
Cụ thể, su sào thu 2 lứa (doanh thu 8 – 9 triệu đồng/sào/lứa); cải bắp thu 2 lứa (7 – 8 triệu đồng/sào/lứa). Do giá su hào và bắp cải ở mức cao, đầu ra thuận lợi nên một số bà con đã trồng thêm lứa thứ 3 (tổng diện tích su hào, bắp cải vụ xuân là 480ha, chủ yếu ở hai huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ) để cung cấp cho thị trường những tháng đầu năm 2018.
Tuy nhiên, do giá các sản phẩm trên hạ thấp nên nhiều nông dân thất thu. Giá 1 kg su hào bán tại ruộng chỉ 500 đồng/củ; còn cải bắp là 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, xét tổng thể, trừ chi phí sản xuất, trung bình mỗi sào ruộng chuyên trồng rau màu vẫn thu lãi trên 250 triệu đồng/năm, hơn hẳn lúa.
Ông Hoàng Anh Thư, PGĐ HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc), chia sẻ: Thời gian qua giá su hào, bắp cải rớt giá, thậm chí không bán được. Nhưng với chúng tôi thì đó không phải là chuyện to tát. Vì vụ đông vừa qua là giai đoạn giá rau đắt và kéo dài chưa từng có trong lịch sử, kéo dài suốt từ tháng 9/2017 đến hết tháng 1/2018. Ở đây mỗi sào su hào nông dân bán được 6 – 9 triệu đồng/lứa. Cuối tháng 10/2017, khi thu hoạch xong 2 lứa su hào, nghĩa là nông dân đã có trong tay khoảng 12 - 18 triệu/sào. Trừ chi phí bà con thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha. Còn lứa rau có giá rẻ thời gian gần đây (được gieo khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2017 theo lịch âm), chúng tôi thường gọi là lứa “khuyến mại”. Chi phí sản xuất 1 sào su hào lứa “khuyến mại” này rất thấp, chỉ 1 triệu đồng. Nếu được có thể bán lãi được vài triệu, còn thua thì cũng không thiệt hại gì nhiều.
Số rau trong dịp tết bị già, không bán được nên phải nhổ bỏ, chiếm chưa đầy 5% trong tổng số 250ha sản xuất su hào, cải bắp của xã Phạm Trấn.
Rau ăn lá tăng giá Trái ngược với các loại rau củ họ thập tự, nhiều loại rau ăn lá lại có giá khá cao, điển hình như rau muống, giá bán tại ruộng 15.000 đồng/kg; đậu trạch 17.000 đồng/kg… Giá các cá loại rau cải xanh, mồng tơi, cà chua, dưa chuột vẫn giữ ở mức ổn định. Giải thích về hiện tượng trên, bà Trần Thị Hồng - người buôn rau tại huyện Mê Linh cho biết: “Thời điểm này, khẩu vị của người tiêu thích các loại rau nhiệt đới (đầu vụ hè) hơn các loại rau ưa lạnh”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã