Xung kích phát triển kinh tế
Anh Nguyễn Ngọc Quyết (trú tại thôn Phú Hữu, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương. Đồng thời, anh còn rất được thanh niên địa phương tin tưởng bởi nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu. Sau gần 8 năm “ăn, ngủ” cùng mô hình nuôi rắn, từ một chàng công nhân nghèo khó, bí thư chi đoàn thôn Phú Hữu đã có trong tay cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng...
Những con rắn đã giúp anh Quyết đổi đời
Sinh năm 1984 trong gia đình thuần nông có hoàn cảnh không mấy dư dả, tốt nghiệp THPT, anh Quyết đi học nghề lái máy ủi, máy xúc với hi vọng nhanh chóng kiếm được việc làm đỡ đần mẹ cha dựng lại căn nhà cấp 4 cũ kĩ. Đi theo công trình xây dựng nay đây, mai đó vất vả vô cùng mà đồng lương kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Đã nhiều đêm, nằm trong những lán trại nơi vùng cao Tây Bắc, nghĩ đến bố mẹ ở nhà, nghĩ đến đồng lương eo hẹp, chàng trai trẻ lại càng thêm bế tắc về con đường phía trước.
"Cuối năm 2006, tôi về quê ăn Tết cùng gia đình. Cũng chính trong những ngày cuối năm ấy, tôi không may bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi, phải nằm ở nhà mất nhiều tháng để chữa trị", anh kể. Sức khỏe yếu, anh không thể tiếp tục đi theo nghề lái máy xúc. Tình cờ, trong một lần về quê ngoại ăn cỗ, Quyết thấy rất nhiều người họ hàng của mình kinh tế khá giả, nhà lầu, xe hơi chỉ nhờ nuôi rắn. Tại sao họ làm được, mình lại không? Nghĩ vậy nên Quyết thử sức với 30 con rắn đầu tiên, số tiền vốn đầu tư vào khoảng 15 triệu đồng.
Thế là, chàng thanh niên vốn chỉ quen với vô lăng, với chiếc cần cẩu, máy xúc hì hụi đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Lứa rắn đầu tiên, anh bội thu với số tiền lãi lên đến hàng chục triệu đồng. Từ 30 con rắn đầu tiên, anh giữ lại rắn sinh sản rồi cứ thế nhân rộng lên số lượng, mở rộng quy mô chuồng trại.
Không chỉ có nguồn thu nhập trong mơ từ nghề nuôi rắn, anh Quyết còn mạnh dạn đào ao thả cá trê lai nhằm tận dụng thức ăn thừa. Mỗi năm, số lượng 1000 con cá trê lai với 2 lứa thu hoạch ước tính từ 1,8 - 2 tấn/lứa cũng cho gia đình anh một nguồn thu nhập đáng kể.
Hiện, Quyết đang hỗ trợ 7 thành viên khác trên địa bàn phát triển chăn nuôi, không chỉ rắn mà còn đa dạng các loại gia súc, gia cầm, thủy cầm. Tâm niệm “không tự bằng lòng với những gì đã có”, Quyết không ngừng tự học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đầu tư, xây dựng khu nuôi cá, ba ba rộng trên 300m2. Một mặt nhằm đa dạng hóa nguồn thu, tránh rủi ro về giá cả nông sản, mặt khác là để tận dụng nguồn thức ăn dôi thừa từ nuôi rắn hổ trâu.
Trại rắn của Quyết được xem là một trong những “điểm sáng” về mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thường xuyên được Hội Nông dân, phòng kinh tế huyện, Huyện đoàn lựa chọn, giới thiệu với những đoàn công tác về thăm quan sản xuất tại địa phương.
Là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, năng nổ, nhiệt tình trong công tác đoàn thể xã hội, Bí thư chi đoàn thôn Phú Hữu Nguyễn Ngọc Quyết đã được vinh danh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Chăm hoạt động xã hội
Không chỉ làm giàu trên mảnh đất quê hương với trang trại hoa, anh Tăng Văn Hưng, thôn Liễu Trì, xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội) còn rất tích cực trong công tác thiện nguyện. Lam lũ không ít, khó khăn chồng chất nhưng sự nỗ lực đã vựơt qua tất cả. Đến nay, sau 15 năm anh miệt mài gắn bó với cánh đồng hoa, làm giàu trên quê hương, anh Hưng đã quen lắm với kĩ thuật chăm sóc cây hoa hồng, cách làm sao cho hoa tươi, nở đúng thời điểm cần thiết để bán được giá, hiểu được những thăng trầm của thời vụ, thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh việc trăn trở tìm cách làm giàu, anh Hưng cũng không ngừng hoạt động từ thiện, tình nguyện vì cộng đồng. Suốt 15 năm gắn bó với công tác Đoàn Thanh niên, anh luôn là Thủ lĩnh của các bạn trẻ và các phong trào tình nguyện. Công việc của anh Hưng hằng ngày vừa là trụ cột, phát triển kinh tế gia đình, vừa gánh vác trách nhiệm với xã hội.
Khi chia sẻ đến việc làm thiện nguyện, anh Hưng vui khôn tả xiết, nhất là công tác vận động hiến máu nhân đạo, phong trào chữ thập đỏ. Từ khi biết đến hiến máu nhân đạo, mỗi năm anh Hưng hiến máu 2 lần. Cho tới nay, anh đã hiến máu gần 20 lần.
Từ những việc làm thiết thực, có ý nghĩa đối với gia đình, cộng đồng, anh Tăng Văn Hưng đã khẳng định được bản thân, vinh dự nhận khen thưởng: Gương người tốt việc tốt của thành phố Hà Nội; liên tục nhận bằng khen, kỉ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội về công tác thiện nguyện vì cộng đồng…
Anh Nguyễn Minh Phương (bên phải) tham gia hiến máu nhân đạo
Anh Nguyễn Minh Phương là Bí thư Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, luôn yêu thích các hoạt động phong trào, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. “Bén duyên” với Đoàn từ khi là học sinh, anh Phương luôn được tập thể tín nhiệm bầu làm thủ lĩnh Đoàn thanh niên. Từ ngày tốt nghiệp đại học, luân chuyển qua nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng ở đâu anh Phương cũng thể hiện là cán bộ Đoàn nhiệt huyết, năng động, làm việc với tình yêu và trách nhiệm.
Anh Phương kể: “Trước đây, tôi thường xuyên tham gia tổ chức các sự kiện lớn, với vai trò là người dẫn chương trình và làm công tác hoạt náo. Qua những hoạt động đó, tôi sớm có thêm bài học quý giá và thể hiện năng lực bản thân”.
Về nhận công tác tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, anh là người đưa đò và tiếp tục dìu dắt các thế hệ thanh niên trưởng thành. Với vai trò là Bí thư Đoàn trường, Nguyễn Minh Phương luôn chủ động đề ra chương trình phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; tổ chức các hoạt động thanh niên, cũng như thực hiện nhiều công trình mang lại giá trị lợi ích kinh tế và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đoàn.
Bản thân chàng thủ lĩnh này cũng nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn; Bằng khen của Bộ Y tế, UBND Thành phố, Thành Đoàn Hà Nội và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền…
Theo Tuổi trẻ thủ đô
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã