Đến thăm mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Hoàng Văn Giảng, xóm 2, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước quy mô trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản được xây dựng một cách khoa học, đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Anh Giảng cho biết, năm 2007, anh đấu thầu hơn 2ha và huy động vốn đầu tư, đào ao, đắp bờ, lập vườn, xây dựng chuồng trại. Với 7 ao có tổng diện tích mặt nước 1,1ha, anh nuôi thả các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, mè, chim trắng…; mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 7 tấn cá thương phẩm, thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại của anh còn thường xuyên nuôi trên 1.000 con vịt, 200 con gà, 200 con ngan, mỗi năm thu lãi 50 - 70 triệu đồng. Từ năm 2012 anh mua hơn 1.000 hom quất ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) về ươm trồng để bán. Ban đầu anh thuê thợ ở vùng trồng quất cảnh xã Nam Phong (TP Nam Định) về chăm sóc, ươm nuôi và đào tạo kỹ thuật; đến nay anh đã tự chăm sóc, ươm nuôi và trồng gối quất. Mỗi lứa quất từ ươm hom con tới xuất bán kéo dài hơn 3 năm. Dự kiến cuối năm nay vườn quất của anh cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Ước tính mỗi năm mô hình trang trại của gia đình anh cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Hiện nay, để mở rộng quy mô sản xuất, anh Giảng tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây xanh, cây cảnh, xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh. Còn ông Nguyễn Văn Dương, xóm 3, lại tập trung phát triển chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp kết hợp nuôi thủy sản. Hiện, mỗi ao cá của ông Dương có diện tích 4 sào nuôi thả các loại cá truyền thống với mật độ hợp lý và mỗi loại cá sống ở mỗi tầng nước khác nhau nên tận dụng được tối đa lượng thức ăn. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch hơn 4 tấn cá các loại. Đàn lợn của gia đình ông có trên 150 con gồm: 20 con nái, 2 con đực và hơn 130 con lợn thịt đều là giống lợn siêu nạc nhập ngoại được nuôi theo quy trình công nghiệp khép kín của Cty CP Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam, thuận lợi cho việc phòng, chống dịch bệnh và giảm chi phí chăn nuôi… Mỗi năm ông xuất hơn 40 tấn thịt lợn hơi, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Dương còn áp dụng mô hình nuôi cá luồn lúa trên 1 mẫu ruộng với các loại cá trôi, trắm, mè, chim trắng; ước tính tổng giá trị 80 - 100 triệu đồng, hiệu quả gấp gần chục lần so với chỉ cấy lúa truyền thống. Hằng năm, gia đình ông thu về 400 - 500 triệu đồng từ kinh tế trang trại.
Không chỉ anh Giảng, ông Dương, nhiều hộ nông dân ở Trực Đạo đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, cho hiệu quả cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như ông Hoàng Văn Đoàn nuôi 200 - 300 con lợn siêu nạc kết hợp với nuôi thủy sản; ông Hoàng Văn Sơn nuôi vịt, lợn thịt kết hợp với trồng cây xanh, cây cảnh… đều thu lãi 300 - 500 triệu đồng/năm. Có được kết quả này còn do xã Trực Đạo đã triển khai hiệu quả việc cho thuê đất ở vùng quy hoạch chuyển đổi; hướng dẫn, giúp đỡ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng; tích cực chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển trang trại, gia trại trong chăn nuôi, xã hướng dẫn các hộ từng bước ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP; khuyến khích liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, các hộ đều tuân thủ đầy đủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Trong phát triển nuôi thủy sản, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nuôi tập trung theo hướng hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi thả, đảm bảo VSATTP.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong thời kỳ đổi mới, thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích các hộ nông dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, khép kín theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển đa dạng các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở địa phương./.
Ngọc Ánh
Nguồn tin: Báo Nam Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã