Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào mùa nước nổi, trong khi ở những cánh đồng xung quanh nông dân đang tốn công sức, chi phí bơm nước, đánh rãnh thoát nước ra kênh để gieo sạ lúa thu đông thì tại cánh đồng môn của anh Bùi Thanh Thoại (ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), những cây môn khỏe mạnh, xanh tốt đang vươn mình trên đồng nước.
Anh Thoại cho biết, đây là cây môn Thái mà 2 năm trước một người bạn ở Sóc Trăng cho anh cây giống và hướng dẫn cách trồng. Anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm và không ngờ đạt được hiệu quả kinh tế cao.
“Chi phí tính ra bằng lúa, mà lợi nhuận của nó mình thu nhập hàng tuần. Nếu so ra lợi nhuận 1 công môn này phải bằng 20 hay 30 công lúa”, anh Thoại nói.
Nhìn bề ngoài, loại môn Thái này không khác gì các giống môn ở vùng ĐBSCL với thân cây mềm, xanh tốt, thích nghi với vùng ngập nước nhưng điều đặc biệt là cây môn này khi trưởng thành, ở mỗi bẹ lá đều cho ra các ngó to khỏe gấp đôi môn thường.
Anh Bùi Thanh Thoại cho biết, từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch lứa ngó đầu tiên chỉ mất 3 tháng và cứ thế thu hoạch kéo dài đến một năm rưỡi cây môn mới tàn rụi. Hiện tại, đầu ra của ngó môn khá ổn định, hàng tuần sau khi anh thu hoạch, mặt hàng này được các thương lái ở chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu hết. Ngó môn được chế biến nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn như: nấu canh chua, nấu cháo, nấu chè, xào, hấp, làm gỏi, làm dưa…
“Một tuần tôi thu hoạch một lần, tôi chở về nhà cắt, đóng bao rồi gửi theo nhà xe lên chợ đầu mối có người nhận hàng, 3-4 ngày sau người ta gửi tiền về cho mình. Một công môn nếu mà trúng 1 tuần được khoảng 300 kg”, anh Thoại chia sẻ.
Với giá bán bình quân 12.000- 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Thoại có thu nhập khoảng 12 triệu - 15 triệu đồng/công môn. Hiện mô hình trồng môn lấy ngó của anh đang được nhiều nông dân trong vùng tìm đến tham quan, học hỏi.
“Mô hình trông môn lấy ngó hiện đang phát triển ở phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy. Mô hình này cũng tương đối mới, nguồn thu nhập của bà con nông dân trồng môn so với trồng lúa tăng hơn và nguồn tiêu thụ tương đối ổn định. Hiện nay các tỉnh khác và các đơn vị huyện bạn cũng đến thị xã Ngã Bảy để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Mô hình này có khả năng nhân rộng cao để góp phần tăng thu nhập của bà con nông dân”, Ông Lâm Hoàng Lợi, Trưởng trạm khuyến nông thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết.
Hậu Giang là vùng đất trũng, mỗi năm khi mùa nước nổi về nông dân nơi đây gặp nhiều vất vả trong việc bảo vệ hoa màu, vườn cây ăn trái. Mô hình trồng cây môn Thái lấy ngó bán của anh Bùi Thanh Thoại vừa thích nghi đối với vùng đất ngập, vừa mang lại lợi nhuận cao đã mở ra hướng đi mới cho nông dân nơi đây trong việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã