Tết sung túc
Tết Mậu Tuất, những người làm tôm khô, nuôi cua gạch đón tin rất vui từ thị trường do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Giá cua gạch Cà Mau loại 1 được thương lái thu mua từ 700.000 đồng/kg, có lúc lên đến 800.000 đồng/kg, tăng khoảng 200.000/kg so với trước đây. Riêng cua thịt cũng ở mức trên 400.000 đồng/kg.
"Nông dân mấy khi được trúng giá như vậy. Hơi tiếc là không có nhiều cua đủ để bán", anh Nguyễn Văn Kháng (xã Thạnh Phú, Huyện Cái Nước, Cà Mau) nói.
Nông dân Mai Bảo Xuyên (xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi) cho biết nhiều nông dân đã "vắt vuông" để tìm cua bán trong những ngày Tết. Nhờ cua lên giá mà nhiều nông dân nuôi cua có cái Tết thật vui vẻ.
Mùng năm Tết (20-2), ông Bùi Văn Chương - Giám đốc Hợp tác xã tôm khô Tân Phát Lợi - hồ hởi cho hay vừa qua hợp tác xã đầu tư máy móc tốt, đa dạng sản phẩm, tăng sản lượng tôm khô bán Tết nhưng vẫn "cháy hàng" từ rất sớm.
Ông Chương cho biết: "Tổng sản lượng tôm khô các loại hợp tác xã bán ra trong dịp Tết Mậu Tuất là gần 4 tấn, đáp ứng hơn 40% nhu cầu của khách hàng. Lợi nhuận của xã viên cao hơn mọi năm, nhờ đó bà con có cái Tết sung túc hơn".
Nhiều nhà vườn trồng quýt hồng tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp - thủ phủ trồng quýt hồng của khu vực ĐBSCL) ăn Tết vô cùng phấn khởi do năng suất tốt, giá quýt duy trì ở mức cao, nông dân thu được lợi nhuận khá hơn so với các năm trước.
Ông Tống Văn Phong - tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất quýt xã Vĩnh Thới - cho biết Tết Mậu Tuất nhiều khu vực trồng quýt hồng trái chín sớm nên sản lượng quýt không bị dội hàng. Nông dân Lưu Văn Ràng (xã Vĩnh Thới) thì hào hứng cho biết đã ăn Tết "rất vui mừng" khi thu hoạch được hơn 8 tấn quýt, bán cho thương lái với giá 24.000 đồng/kg.
Trở lại vụ mùa
Những ngày Tết Mậu Tuất cũng là lúc lúa đang thời trổ đòng nhiều nơi ở ĐBSCL. "Tui là nông dân, vui gì thì vui cũng không quên đồng đất của mình", anh Trần Văn Bình, nông dân ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao, Kiên Giang) vui vẻ cho biết anh đã bắt đầu ra đồng trở lại để "lấy ngày tốt". Quan niệm "vui ba ngày Tết" được nhiều nông dân áp dụng khi bắt đầu công việc của năm mới ngay từ mùng 4 Tết.
"Lúa ngoài đồng đang ngậm hạt, lúc này mình phải chú ý chăm sóc kỹ như phụ nữ mang thai vậy. Tui vừa ăn Tết vừa ra đồng coi sóc lúa", ông Đinh Văn Tư (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) cho biết.
Với nhiều nông dân, Tết đến là khi đưa những chuyến hàng nông sản tấp nập ra chợ bán và Tết kết thúc là khi có người bắt đầu đi chợ để mua rau quả trở lại, phục vụ nhu yếu hàng ngày. Nông dân Trần Thanh Liêm (huyện Ô Môn, Cần Thơ) tiết lộ:
"Sau Tết thì tới dịp bán rau. Rau sạch bán chạy lắm vì tâm lý mọi người đã ngán thịt ăn nhiều suốt Tết rồi. Biết vậy nên tui đã chuẩn bị lứa rau bán phục vụ sau Tết".
Theo Tuổi trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã