Chị Thà chính là nông dân Việt Nam xuất sắc có doanh thu “khủng” nhất năm 2016. Với mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn, thức ăn, giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản mỗi năm chị Thà có thu nhập khoảng 40 tỷ đồng.
Mỗi năm HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong do chị Lê Thị Thà làm Giám đốc đã liên kết với nông dân, thu mua hơn 500 tấn gạo nếp cái hoa vàng - đặc sản của huyện Đông Triều. Ảnh: Thu Hà.
Lớn mạnh nhờ sản xuất khép kín
Thăm cánh đồng trồng rau an toàn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (HTX Hoa Phong) tại phường Xuân Sơn (thị xã Đông Triều) do Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Thà làm Giám đốc, đi đến đâu cũng thấy màu xanh mát mắt của đủ các loại rau, từ bầu, bí, mướp, dưa leo, bắp cải, rau muống, cải ngọt, rau thơm... Từng nhóm công nhân hối hả phân loại, sơ chế, đóng gói các loại rau, củ, quả trong khu nhà chế biến của HTX. Nông sản đóng gói xong sẽ được chuyển thẳng tới các chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm của HTX tại chợ Cột (Đông Triều).
Vừa tất bật điều hành công việc, chị Thà phấn khởi thông tin vài nét cơ bản của HTX Hoa Phong. Theo chị Thà, HTX Hoa Phong được thành lập từ năm 2010 đến nay. Lĩnh vực sản xuất chính của HTX là các sản phẩm nông nghiệp như: Trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh thức ăn, con giống, vật nuôi, cây trồng, thuỷ sản, tiêu thụ và xây dựng sản phẩm nông sản an toàn.
Doanh thu trung bình của HTX đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm; thu nhập của các kỹ sư nông nghiệp đạt từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; lao động phổ thông hưởng theo công lao động, 100.000 đồng/ngày… Bên cạnh đó, với những nông dân làm đủ 25 công/tháng, HTX thưởng 20% tiền lương, tương ứng với 120.000 đồng/ngày.“Trên 70% lao động của HTX là phụ nữ trung niên, cao tuổi, một số chỉ đi làm cho vui chứ không nặng về mưu sinh nên hay nghỉ, nhưng rau một vài ngày không chăm, thu hái là không được. Vì vậy, HTX có chương trình thưởng tiền lương nhằm khuyến khích nông dân làm đủ công, nhiều công...”, chị Thà phân tích.
Điểm nổi bật và riêng biệt của HTX Hoa Phong so với các HTX khác là, không chỉ liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn công nghiệp, HTX còn tự xây dựng các chuỗi cửa hàng nông sản sạch của riêng mình để quảng bá, giới thiệu và chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm.
“Ngay từ khi thành lập, với tư cách là người đứng đầu HTX tôi đã đề ra tôn chỉ, mục đích hoạt động của HTX là phải xây dựng được chuỗi hoạt động khép kín. Trả lời xong 3 câu hỏi: Làm việc gì, đầu vào như thế nào, sản phẩm làm ra tiêu thụ ở đâu sau đó vạch ra định hướng phát triển rồi mới xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Hoa Phong lúc nào cũng phải làm theo nguyên tắc này", chị Lê Thị Thà. |
Về việc cung ứng đầu vào, trước đây tôi có mở cửa hàng thức ăn chăn nuôi nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm. Điều tôi trăn trở nhất là, sản phẩm của nông dân và HTX sẽ tiêu thụ ở đâu, nhất là khi HTX đã tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa”, chị Thà thổ lộ.
Từ trăn trở đó mà chị Thà đã mạnh dạn làm đơn đề nghị UBND huyện Đông Triều và Ban Quản lý chợ Cột cho HTX Hoa Phong mượn gần 1.000m2 đất để đầu tư xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện Đông Triều. “Đây là cơ sở giúp HTX bớt hẳn được khâu trung gian, người tiêu dùng và nông dân sản xuất đều được hưởng lợi. Từ thành công ban đầu, HTX Hoa Phong đầu tư xây dựng được thêm 2 cửa hàng nông sản sạch ở thị trấn Cột. Đồng thời, HTX đầu tư xây dựng khu bảo quản nông sản chất lượng cao, với đầy đủ nhà xưởng, máy móc thiết bị, hầm sấy, kho lạnh, nhà sơ chế...”, chị Thà thông tin.
Sau 7 năm hoạt động, HTX Hoa Phong đã trở thành mẫu hình sản xuất nông nghiệp điển hình toàn quốc. Cá nhân Giám đốc HTX Lê Thị Thà cũng vinh dự được tôn vinh danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016”.
Mở rộng thị trường từ những chuyến đi
Chị Thà vốn là chủ trang trại nuôi cá rô phi kiêm thêm kinh doanh thức ăn chăn nuôi. HTX Hoa Phong ra đời từ ý tưởng bao tiêu nông sản cho các trang trại của gia đình, bạn bè. Trong suốt 3 năm đầu tiên (2010 - 2013), HTX kiên trì từng bước thuê lại 14 ha đất nông nghiệp của 165 hộ nông dân tại phường Xuân Sơn (thị xã Đông Triều) và bắt đầu trồng rau an toàn từ năm 2013. Các “chủ đất” được HTX trả đều đặn 1 tạ thóc/sào/năm; được hợp đồng làm công cho HTX.
Mới đây chị Lê Thị Thà (ngồi hàng đầu bên trái ngoài cùng) cùng đoàn công tác Quảng Ninh sang Nhật Bản tìm hiểu mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: NVCC
Nhớ lại những ngày đầu khó khăn khi thành lập HTX, chị Thà thổ lộ: “Lúc đầu, bà con nông dân còn e ngại, không muốn cho thuê đất, HTX phải kiên trì vận động từng hộ dân hiểu rằng, HTX thuê đất nhưng vẫn tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân trên chính ruộng đất của mình. Chưa kể, để thay đổi nhận thức bà con vốn trồng rau truyền thống nay chuyển sang rau VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định bắt buộc là cả vấn đề…”.
Hiện nay, HTX mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 20 ha. Bên cạnh đó, HTX còn là nhà phân phối thức ăn chăn nuôi cho bà con nông dân, sau đó quay lại thu mua trứng, gia súc, gia cầm, thuỷ sản rồi giết mổ, cung cấp cho các bếp ăn tập thể.
“Ba năm nay, mỗi tháng HTX đều cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn nông sản thực phẩm, Bây giờ, HTX đầu tư xây dựng trung tâm và đã giải quyết xong mối lo ngại về công tác sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Tuy nhiên, HTX đang trăn trở nhất là bài toán mở rộng thị trường. Bởi, khi kết hợp cả sản xuất và kinh doanh, HTX ngày càng phát triển mở rộng lên.
Tháng 10.2016, được ra Hà Nội trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” tôi rất vinh dự, tự hào và kỳ vọng nhiều ở chuyến đi này. Quả thật, chuyến đi đã cho tôi nhiều trải nghiệm vô cùng quý báu. Tôi được gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các “siêu” nông dân đến từ khắp mọi miền Tổ quốc và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu ở Việt Nam. Từ đó ý tưởng, cơ hội phát triển thị trường không chỉ mở rộng ở tỉnh nhà Quảng Ninh mà còn vươn ra thủ đô Hà Nội hiện ra rõ nét và đạt được những kết quả nhất định”, chị Thà cho hay.
Theo chị Thà, hiện HTX Hoa Phong đang xúc tiến mở các vệ tinh và cửa hàng tiêu thụ khắp nơi, trọng tâm “phủ sóng” trước hết là tỉnh Quảng Ninh và vươn mạnh tới Hà Nội. Đến nay, HTX đã khởi động hướng liên kết đưa sản phẩm lên thị trường Thủ đô qua chuỗi cửa hàng Bác Tôm. Bên cạnh đó, HTX tích cực đưa các nông sản đến các phiên giao dịch nông sản an toàn ở Hà Nội để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Tại các phiên giao dịch này, HTX đều tiêu thụ tốt từ 2 – 3,5 tạ nông sản thực phẩm an toàn/ngày.
“Một tin vui nữa là, nhằm chinh phục, mở rộng thị trường thủ đô Hà Nội, giữa tháng 5 tới đây HTX Hoa Phong sẽ khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và an toàn của HTX nói riêng và huyện Đông Triều nói chung ở trung tâm chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy). Tôi tin rằng, khi có cửa hàng của chính HTX, các khâu trung gian sẽ được cắt giảm, sản phẩm nông sản của HTX với chất lượng tốt và giá cả phải chăng sẽ được đông đảo người tiêu dùng thủ đô đón nhận”, chị Lê Thị Thà. |
Tác giả bài viết: Thu Hà
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã