Làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) được xem là làng rau sạch lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Có 300 hộ tham gia sản xuất vùng chuyên canh này. Tết này người dân gieo trồng khoảng 47ha rau quả để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc trưng của vựa rau Bàu Tròn là các loại la-ghim, củ quả như dưa leo, khổ qua, đậu cô-ve, mướp, bí… phục vụ Tết.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trên khắp cánh đồng rau quả Bàu Tròn không khí thu hoạch ngày cuối năm cũng tất bật, nhộn nhịp hơn. Người hái, người cho vào bao, người chở hàng… mỗi người mỗi việc trò chuyện rôm rả cả cánh đồng.
Đang thu hoạch ruộng khổ qua của gia đình, bà Nguyễn Thị Chín (thôn Bàu Tròn, xã Đại An) cho biết, Tết năm nay gia đình bà trồng 3 sào rau quả các loại phục vụ Tết đặc trưng như khổ qua, dưa leo, đậu cô-ve. Do năm nay mưa lạnh liên miên khiến sản lượng không cao nhưng bù lại giá cũng được nên bà cũng yên tâm. Năm trước lũ muộn (12/2016) khiến toàn bộ ruộng rau quả của gia đình phải nhổ bỏ, không có để cung ứng cho thị trường Tết.
“Hiện nay, giá các loại rau củ tăng gấp 1,5-2 lần so với giá thường ngày, riêng dưa leo thì giảm. Vài ngày trước giá khổ qua là 10-12 ngàn đồng/kg, hiện nay giá khổ qua “quê” có giá 50 ngàn đồng/kg, khổ qua lai là 20-30 ngàn đồng/kg tùy chất lượng quả; đậu cô-ve trước là 5-7 ngàn đồng/kg, hiện có giá 10 ngàn đồng/kg; dưa leo vài hôm trước có giá 12-14 ngàn đồng/kg, hiện xuống còn 5 ngàn đồng/kg rồi dừng lại; nhiều loại rau quả khác cũng đang tăng giá…”- bà Chín chia sẻ.
Giá các loại rau quả đang tăng từ 1,5-2 lần so với giá ngày thường, riêng dưa leo lại giảm chỉ còn 5 ngàn đồng/kg
Năm nay người dân cũng phấn khởi hơn, dù có lũ (11/2017) nhưng người dân vẫn tái sản xuất được; năm trước lũ muộn (12/2016) làm hư hại vùng rau Tết khiến nông dân thất thu
Để kịp thu hoạch vụ rau quả Tết, nhiều hộ gia đình còn kêu gọi cả con cháu trong nhà ra giúp. Ông Lê Sông Lô (thôn Quảng Yên, xã Đại An) chia sẻ, mấy đứa con ông nghỉ Tết rồi nên huy động tất cả ra phụ giúp thu hoạch cho kịp để thương lái chở đi. Hiện cần thu hoạch gấp nên con cháu đều ra đồng thu hái qua trưa, ăn tại đồng rồi tiếp tục công việc. Nhiều gia đình còn dựng cả chòi canh, hoặc đem theo chiếu để trải trong mấy giàn cây nghỉ trưa.
Theo ông Lô, giá rau mỗi ngày mỗi khác, vài ngày trước còn thấp nhưng giờ đã tăng cao từ 1,5-2 lần, chỉ có dưa leo là giảm. Do thời tiết năm nay thất thường nên sản lượng thu hoạch không cao, duy chỉ có dưa leo là cao nhất. Gia đình ông thu được 1,3 tấn khổ qua/sào, đậu tây khoảng 900 kg/sào, dưa leo thì đạt hơn được tận 1,5 tấn/sào. Vì thị trường Tết nhu cầu khá lớn nên ông Lô thu hái đến đâu, thì thương lái thu mua ngay.
“Hiện ruộng khổ qua “quê” của gia đình đã thu được 18 triệu đồng, tôi dự toán thì Tết này tôi thu được khoảng 25 triệu đồng/sào. Khổ qua lai thì thấp hơn giá chừng 20-30 ngàn đồng/kg, giá cả các loại rau củ biến động theo từng ngày. Nhưng năm nay may mắn hơn là có hàng bán chứ năm trước lũ muộn tàn phá hết cả hoa màu không có để bán Tết. Dù sản lượng không cao nhưng giá như vầy thì nông dân chúng tôi cũng được an ủi”- ông Lô phấn khởi chia sẻ.
Theo Dân trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã