Sân chơi sẽ khốc liệt hơn
Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới. Cùng với các chính sách khuyến khích sản xuất và thương mại, nông nghiệp nước ta từng bước thích ứng với xu thế toàn cầu hóa về sản xuất và kinh doanh.
Không thể bảo hộ mãi
Trong thời gian gần đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xin phép nhập 30.000 tấn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu đường. Trong khi đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) lại có đơn đề nghị không cho nhập. Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc nhập khẩu nguyên liệu có thể ảnh hưởng tới hàng ngàn hộ sản xuất mía và hàng chục nhà máy sản xuất đường, nhưng, khi chúng ta đã tham gia vào sân chơi chung của thế giới thì chúng ta phải chịu sự chi phối của quy luật đào thải.
Thu hoạch mía tại xã Hưng Điền, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. |
Thực tế, chính sách bảo hộ trong nhiều năm khiến giá đường trong nước cao hơn nhiều so với giá đường thế giới, ví dụ giá thành mía nguyên liệu tại Lào và các nước ASEAN chỉ khoảng 300 đồng/kg, trong khi ở ĐBSCL là gần 800 đồng/kg. Không riêng gì giá đường, giá sữa ở Việt Nam cũng rất cao. Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong quá trình hội nhập, những hiện tượng này sẽ không còn nữa.
Sau gần 7 năm vào WTO, nông nghiệp vẫn là chỗ dựa vững chắc về mặt xã hội. Thực tế, nền nông nghiệp tuy được đầu tư chưa cao về khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng nhưng đã chiếm lĩnh rất nhiều thị trường trên thế giới. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đã đạt kỷ lục 27 tỷ USD.
“Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo chiến lược hội nhập quốc tế ngành nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Việc thực hiện chiến lược này nhằm tối đa hóa các lợi ích từ hội nhập kinh tế quốc tế đối với nông nghiệp, nông thôn; góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực, rủi ro đến nông dân” - Bộ trưởng Cao Đức Phát |
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược nông nghiệp (ISPARD) cho rằng, để tiến lên một nền nông nghiệp hiện đại, tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng hóa của thế giới thì Việt Nam không thể dựa vào một nền nông nghiệp tăng trưởng nhờ thu hút thêm tài nguyên, lấy thêm đất, lấy lao động và đổ nhiều vật tư vào sản xuất. Trong tương lai, chúng ta không còn những yếu tố đó nữa, trong khi yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng cao.
Theo chuyên viên Nguyễn Lan Hương, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), ngành nông nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ do đối tượng này chiếm đến 99% trong số 10 triệu nông hộ trực tiếp tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Hiện có khoảng 20 triệu lao động trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp và mỗi năm có thêm 600.000 người tham gia vào lĩnh vực này.
Kết quả nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về “Đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết WTO và khu vực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” mới đây cho thấy, nông nghiệp - nông thôn, nơi chiếm hơn 70% dân số, chiếm khoảng 21% GDP của cả nước, lại là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nông dân và hội nhập
Hội nhập được hiểu một cách đơn giản là dỡ bỏ dần các hàng rào bảo hộ, hàng rào thuế quan. Hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp không phân biệt trong hay ngoài nước cùng bình đẳng với nhau trên một sân chơi. Ngành nông nghiệp cũng không tránh khỏi quy luật này. Nhiều ngành sẽ phát triển nhưng nhiều ngành không có lợi thế thì buộc phải “hy sinh”. Vấn đề là “hy sinh” ngành nào thì vẫn chưa được xác định rõ ràng, trong khi “không khí” của hội nhập đang “phả” vào gáy một số ngành.
Chuyên viên Nguyễn Lan Hương (FAO) cho rằng, với nông dân Việt Nam, việc mở rộng thương mại quốc tế tạo ra cơ hội mới, thêm việc làm, tăng thu nhập và góp phần giảm nghèo một cách tích cực. Nhưng người dân phải từng bước làm quen với thị trường cạnh tranh và chịu điều tiết từ quy luật “cung - cầu” khốc liệt của thị trường.
Trong quá trình hội nhập khốc liệt này, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện ISPARD cho rằng, đối tượng cần chú ý nhất là các hộ nông dân, người nghèo, người kinh doanh nhỏ. Theo quy luật, những đối tượng không trụ lại được trong cuộc chơi sẽ bị đào thải nhưng trước mắt họ chưa thể chuyển đổi ngay được ngành, nghề ngay nên cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chúng ta phải có kế hoạch xây dựng thủy lợi, hệ thống canh tác mới từ khâu giống cho tới khâu sau thu hoạch để người dân có thể chuyển sang các cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả. Không thể để tới lúc bắt đầu áp dụng mức thuế thấp, chúng ta mới xoay chuyển thì sẽ không kịp.
Bên cạnh đó, các địa phuơng phải rà soát lại, căn cứ trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, quy mô sản xuất, những nơi nào không có lợi thế bằng các đối thủ cạnh tranh nên chuyển sang lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai sâu rộng tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhất, căn cơ nhất thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập.
Phi Sơn
Nguồn: baotintuc.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã