Tại địa bàn huyện miền núi Quế Phong, vụ mùa 2017 – 2018, huyện gieo trồng gần 2.250 ha, bao gồm các giống như: NA 2, NA 6, Nghi Iu 986, JO 2... và một số giống lúa địa phương. Đến thời điểm hiện nay, lúa đang vào giai đoạn làm đòng và trổ bông. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, hiện có hơn 1.100 ha lúa của bà con bị nhiễm bệnh rầy nâu và lùn sọc đen. Trong đó có 700 ha bị nhiễm với mức độ trung bình, còn hơn 400 ha lúa bị nhiễm nặng.
Ông Lương Văn Long, bản Cỏ Nong, xã Mường Nọc, cho biết: Gia đình ông có gần 1 ha lúa vụ mùa, từ ngày cấy đến nay, mặc dù đã phun 2 lần thuốc trừ sâu bệnh nhưng trên hầu hết diện tích đến nay đều xuất hiện bệnh rầy nâu và lùn sọc đen.
Hàng nghìn hécta lúa mùa ở miền Tây Nghệ An đang đứng trước nguy cơ mất trắng do bệnh lùn sọc đen. Ảnh: Hồ Phương |
Theo ông Lê Văn Quang, trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quế Phong: Từ ngày 2/8, qua kiểm tra chúng tôi đã phát hiện thấy lúa của bà con trên địa bàn có biểu hiện bị sâu bệnh. Ngay sau đó chúng tôi đã gửi mẫu xuống Chi cục và đã có xác nhận là bị bệnh lùn sọc đen. Ngày 6/8, UBND huyện Quế Phong đã cho chủ trương hỗ trợ 50% giá thuốc trừ sâu bệnh để người dân phun trừ. Tuy nhiên, việc phun thuốc chỉ có tác dụng ngăn ngừa sự phát tán, lây lan, còn diện tích lúa đã mắc bệnh thì không thể phục hồi do lùn sọc đen chưa có thuốc đặc trị.
Tại địa bàn huyện Tương Dương, trên các trà lúa ở các xã như Mai Sơn, Tam Đình, Tam Quang... cũng có biểu hiện bị lùn lụi và cháy đỏ. Ông Vi Võ Tuấn, trưởng bản Quang Thịnh cho biết: Cả bản có 199 hộ dân trồng lúa, với diện tích 27,5 ha, nhưng hiện nay đều bị ảnh hưởng, nhiều diện tích sâu bệnh từ 70% trở lên và có khả năng sẽ mất trắng.
Cũng theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quỳ Châu, đến ngày 5/9 trên địa bàn huyện đã xuất hiện 58,8 ha lúa bị bệnh lùn sọc đen, trong đó có 46,8 ha bị nhẹ, 8 ha bị trung bình và 4 ha lúa bị mức độ nặng.
Bệnh lùn sọc đen trên lúa hiện chưa có thuốc đặc trị. Ảnh Hữu Vi |
“Đồng bào miền núi lâu nay vốn đã khó khăn, hiện lúa bị dịch bệnh khiến chúng tôi hết sức lo ngại về tình hình an ninh lương thực của người dân. Chúng tôi cũng đã cố gắng để giúp bà con xử lý nhưng do bệnh lùn sọc đen hại lúa hiện chưa có thuốc đặc trị nên dịch bệnh vẫn đang hàng ngày lan rộng. Hi vọng tỉnh sẽ có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho bà con” – Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ.
Tác giả bài viết: Hồ Phương - Hữu Vi
Nguồn tin: www.baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã