Các chuyên gia nhận định dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay không khốc liệt như năm 2015-2016, nhưng việc báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm vào đúng cao điểm của mùa khô để bàn giải pháp và đánh giá, nhân rộng những mô hình phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu là rất có ý nghĩa và thiết thực.
Khi cây lúa "xuống hạng"
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập về sinh thái, cho biết ông tâm đắc với Nghị quyết 120 (2017) của Chính phủ với những nội dung trong đó như sản xuất "thuận thiên", tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên mà ông cho rằng "đây là nét mới, vô cùng tiến bộ" khi xem nước mặn, lợ, ngọt đều là tài nguyên chứ không phải cứ thấy mặn là mặc định chống.
Ngoài ra, Nghị quyết của Chính phủ cũng xác định thứ tự ưu tiên là thủy sản - cây trồng khác - lúa, thay vì như trước đây lúa ở vị trí số 1 và thủy sản số 3.
Ông Lý Minh Khởi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh này cũng thực hiện việc sản xuất "thuận thiên", áp dụng mô hình nào thích hợp thời điểm nào, mùa mặn nuôi con gì, trồng cây gì, giống gì; còn mùa mưa thì chuyển đổi như thế nào cho phù hợp chứ không cứng nhắc.
Hiện tỉnh này còn 205.000ha quy hoạch là vùng ngọt, nhưng thực tế vùng ngọt thật sự chỉ khoảng 90.000ha, còn lại là "da beo". Ông Khởi nhận định bà con ở vùng mặn có thu nhập đỡ hơn nhưng lại không bền vững, còn người dân trong vùng ngọt thì thu nhập không cao nhưng bền vững, ít rủi ro.
Góp ý về vấn đề này, ông Thiện cho biết qua khảo sát của ông tại một số tỉnh thì người dân nuôi tôm có thu nhập cao hơn nhiều lần so với người trồng lúa. Vì vậy, theo ông "nói rủi ro thì chúng ta cần tính toán làm sao hệ thống canh tác bớt rủi ro cho bà con ".
Không chỉ nuôi tôm mới mang lại lợi nhuận cao, ông Lê Quang Răng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Trà Vinh, chia sẻ năm nay do lường trước được hạn mặn xảy ra sớm, nên vụ đông xuân tỉnh đã chuyển đổi một diện tích đáng kể trong 66.000ha sản xuất lúa sang trồng màu, cây ngắn ngày, cây ăn trái. Một trong những mô hình hiệu quả nhất là trồng ớt, năng suất đạt cao, gấp 1,2 lần trồng lúa.
"Còn trồng lúa sinh thái kết hợp với nuôi tôm, một số vùng của huyện Châu Thành làm rất hiệu quả. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, khoảng 100ha mô hình này người dân thu nhập cao hơn trồng lúa 30 -40%", ông Răng cho biết.
Không thể "hở cái là giải cứu"
TS Nguyễn Đăng Nghĩa (chuyên gia nông nghiệp), cho rằng không chỉ dừng lại ở mô hình lúa - tôm mà các tỉnh cần nâng lên một bước nữa là lúa - tôm hữu cơ vì giá trị gia tăng sẽ đáng kể, mang lại thu nhập tốt hơn.
Ông Nghĩa cũng đề nghị để thực sự bền vững thì phải đặt thị trường lên trên hết, bỏ dần việc "hở cái là giải cứu".
Muốn vậy, cần hình thành liên kết trong nông nghiệp từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ mà ông cho biết tại hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu ngành nông nghiệp phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp cùng nhảy vào chuỗi liên kết này để liên kết với nông dân.
Tương tự, TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) cũng băn khoăn khi Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đề ra nhiều vấn đề, nhưng đến nay các bộ, ngành vẫn chưa trình được. Cụ thể như hội đồng điều phối vùng hiện tại mới chỉ là câu chữ trong Nghị quyết, còn "hình hài" trên thực tế thế nào thì chưa biết.
"Chính phủ đã thấy, đã ghi vào Nghị quyết rồi, nhưng chậm chạp thế sẽ tác động thế nào", ông Hiệp đặt câu hỏi. Ngoài ra, theo ông Hiệp, Quỹ phát triển ĐBSCL cũng "nghe hay" nhưng đến nay vẫn chưa thấy "hình hài".
Dương Thành Trung (Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu)
"Bạc Liêu biến nguy cơ thành thời cơ"
Bạc Liêu may mắn là đã chuyển đổi sang mô hình lúa tôm sớm (đã 17 năm-PV). Đặc biệt trong hai năm gần đây, khi Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh về hai nội dung là đề nghị rút dự án nhiệt điện Cái Cùng và xin chuyển đổi đất để chuyển sang nuôi trồng thích ứng với hạn, mặn. Trong buổi làm việc đó, Thủ tướng có kết luận một câu mà hiện nay thành câu châm ngôn của tỉnh là "Bạc Liêu biến nguy cơ thành thời cơ". Nguy cơ là hạn mặn xâm nhập sâu, Bạc Liêu xin chuyển đất trồng lúa không hiệu quả sang làm một vụ lúa một vụ tôm. Khi nhìn nhận ra thực tế, nắm bắt đúng thời cơ và quyết định được thì tạo ra cơ hội rất lớn. Việc hạn, mặn cũng thế, việc xin chuyển đổi lúa, tôm cũng là thời cơ. Cuối tuần rồi tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề lúa - tôm, mời một số nhà khoa học, viện trường về để nghe họ khẳng định mô hình này ở Bạc Liêu. Nghe ý kiến các nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp xong, tôi đã khẳng định là Bạc Liêu sẽ mạnh mẽ hơn để chuyển đổi mô hình lúa - tôm này.
Cái khó hiện nay là năng suất tôm ở vùng lúa - tôm Bạc Liêu thấp, chưa cao vì lâu nay chưa tác động khoa học vào đó, để cho bà con tự nuôi, tự bươn chải. Tôi khẳng định là các cán bộ khoa học của tỉnh rất thiếu trách nhiệm với bà con trong việc nuôi tôm. Sắp tới, chỉ cần diện tích này mà sản lượng tăng lên gấp đôi thì tôi khẳng định người nông dân trong vùng sản xuất sẽ làm giàu.
Vừa rồi cũng có ý kiến đặt ra là nếu có giống lúa thích ứng với mặn một chút, lúa chịu mặn được 5 - 7 phần ngàn sẽ hiệu quả hơn. Nói chung vùng chuyển đổi lúa - tôm tôi khẳng định là thành công.
GS. TS Võ Quang Minh - Trưởng Bộ môn Đất (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ) đề nghị cần chú ý vấn đề khoa học công nghệ mà Thủ tướng đã ra chỉ thị đưa công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp. Vì khi đã làm theo hướng công nghệ cao, có nhà lưới, nhà màn, thì các yếu tố biến đổi khí hậu có tác động cũng không nặng nề được.
"Nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh ở TP.HCM, Đồng Nai có một số mô hình, An Giang cũng có trên vùng Bảy Núi, Hậu Giang cũng bắt đầu. Khi chúng ta đã có định hướng phát triển nông nghiệp 4.0 thì tác động biến đổi khí hậu vào các tỉnh ven biển sẽ đỡ hơn", ông Minh gợi mở.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã