Bà Vũ Thị Mùi cho biết, năm 1990, về Đà Nẵng, bà làm nghề chăn nuôi nhỏ trong gia đình. Năm 2000, bà được Hội Nông dân phường An Hải Đông, quận Sơn Trà cho đi học lớp trồng nấm do một cơ sở tại Hà Nội vào Đà Nẵng dạy cho nông dân. Sau khóa học, bà tiếp thu được công nghệ trồng nấm. Sau đó, nông dân phường An Hải Đông đã thực nghiệm tổ trồng nấm ở phường gồm 7 thành viên.
Gần 3 năm thực nghiệm thấy có hiệu quả, UBND phường An Hải Đông quyết định thành lập HTX Nấm An Hải Đông do bà Mùi làm chủ nhiệm. Ngoài 7 thành viên đã gắn bó với nhau trong gần 3 năm, HTX đã huy động thêm 25 thành viên khác gia nhập.
Sau khi HTX được thành lập, quận Sơn Trà đã hỗ trợ mặt bằng cùng với thiết bị làm nấm. Ngoài 12 xã viên trồng nấm và sản xuất nấm tập trung tại HTX, 20 xã viên còn lại sản xuất, trồng nấm tại nhà. “Ban đầu, HTX trồng nhiều loại nấm như nấm rơm, mộc nhĩ, bào ngư, linh chi… Tuy nhiên, sau 6 tháng, đối với những loại nấm không hiệu quả, HTX đã loại dần và sau đó tập trung trồng nấm bào ngư và linh chi”, bà Mùi cho biết.
Để có đầu ra ổn định, bà Mùi cùng Ban quản trị tìm đến các tiểu thương tiêu thụ nấm ở các chợ và đến tận nơi để ký hợp đồng tiêu thụ. “Với hơn 30 xã viên trồng nấm, mỗi ngày cho ra thị trường hơn một tạ nấm. Có những lúc tiểu thương đến thu mua không xuể, ban quản trị phải phân các xã viên đem đi các chợ để tiêu thụ. Đời sống của bà con xã viên cũng từng ngày ổn định hơn”, bà Mùi nói.
Từ khi giải tỏa đất để làm cầu Rồng, HTX Nấm An Hải Đông phải chuyển địa điểm về phường Thọ Quang, quận Sơn Trà nên thành viên cũng sụt giảm nhiều. Vượt qua khó khăn, thử thách về mặt bằng, vốn liếng, nhân lực, Chủ nhiệm HTX Vũ Thị Mùi cùng Ban quản trị tiếp tục chèo lái HTX đi lên.
Hiện tại, HTX trồng hơn 5.000 bịch nấm linh chi và bào ngư, thị trường phân phối chủ yếu là siêu thị và nhà hàng; đồng thời tổ chức trồng nấm giống. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh khốc liệt của các cơ sở sản xuất nấm giống, nên HTX An Hải Đông phải tìm thêm mối ngoài địa bàn Đà Nẵng như Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và mỗi tháng cấp khoảng 1 tấn bịch nấm giống. Nhờ sự dấn thân của bà Mùi cùng các thành viên Ban quản trị, doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước, đời sống xã viên ổn định. Hiện tại, thu nhập bình quân của xã viên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Bà Vũ Thị Mùi không chỉ chèo chống đưa HTX vượt qua khó khăn mà còn giúp bà con xã viên có thu nhập ổn định, nhiều xã viên từ chỗ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá. Riêng bản thân bà đã trở thành giáo viên dạy trồng nấm ở thành phố Đà Nẵng. “Từ năm 2005, tôi đã được Hội Nông dân thành phố mời dạy kỹ thuật trồng nấm, sản xuất nấm giống cho nông dân. Tính ra là đã 10 năm tròn làm giáo viên dạy trồng nấm rồi. Học viên của tôi giờ nhiều người đã thành công với những trang trại nấm, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng”, bà Mùi tâm sự.
Hiện nay, phần nhiều những người đang trồng nấm, sản xuất nấm giống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều được bà Vũ Thị Mùi dạy kỹ thuật. HTX Nấm An Hải Đông đã cung cấp giống nấm cho những học viên này.
Suốt 13 năm, vượt qua biết bao thăng trầm, bà Vũ Thị Mùi đã đưa HTX đi lên, đứng vững. Chính nhờ đó, HTX Nấm An Hải Đông nói chung, bản thân bà Mùi nói riêng đã được nhiều cấp từ thành phố đến cơ sở tặng bằng khen, giấy khen… Đặc biệt, ngày 20-10-2013, Hội LHPN Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã vinh danh bà là “Phụ nữ sáng tạo, làm kinh tế giỏi”…
Theo Báo Đà Nẵng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã