Hòn Tre có tên gọi dân gian là “Đảo Rùa”, đây là một xã đảo thuộc khu vực biển Tây, cách thành phố Rạch Giá chừng 30km đường biển. Hòn Tre còn là thủ phủ của huyện đảo Kiên Hải với nhiều xã đảo như Nam Du, An Sơn, Lại Sơn, Hòn Tre…Do có điều kiện rất thuận lợi với môi trường biển rộng lớn nên ở các địa phương này phát triển rất mạnh phong trào nuôi các loại cá có giá trị thương phẩm cao như cá mú, cá bóp trong các lồng bè trên biển.
Trong chuyến thâm nhập thực tế ở đảo Hòn Tre, chúng tôi đã tìm đến được lồng bè của chị Võ Thị Thắm – anh Phạm Văn Tùng, tài xế “taxi” biển (tàu con đưa rước khách trên vịnh biển) vui vẻ nói: “Tôi sẽ đưa mấy anh ra gặp “nữ tỉ phú” nuôi cá bóp trên biển Hòn Tre”. Lời giới thiệu của anh Tùng càng làm tăng sự háo hức và phấn khích với chúng tôi – Một “nữ ngư dân” nuôi trồng thủy sản thành công, ấy chẳng phải là một điển hình đáng khám phá hay sao!?”
Len lách qua những con tàu ngược xuôi và neo đậu trên vịnh biển, tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng động cơ tành tạch, bóng làng chài lô nhô, lấp loáng trong nắng sớm, tất cả tạo nên một cảnh quan sinh động, đầy sức sống… “taxi” cặp một lồng bè nằm chơ vơ cách bến Dinh Ông chừng 200m, trong một vùng biển với độ sâu hơn 10m, nước biển trong lành, cách khá xa khu vực ồn ào của cầu cảng…Các điều kiện tự nhiên kể trên rất thích hợp cho công việc nuôi các loại thủy sản có chất lượng và giá trị thương phẩm cao!
Nữ kiện tướng
Chúng tôi tiếp cận và thăm hỏi công chuyện làm ăn, hoàn cảnh gia đình của “nữ tỉ phú” nuôi cá bóp. Chị Thắm năm nay đã bốn mươi ngoài, nhưng trông chị trẻ hơn cái tuổi ấy, bởi dù cho dầu dãi nắng mưa, vất vả với nghề nuôi cá lồng trên biển, nhưng đặc biệt chị có làn da trắng trẻo như các cô, chị ở miệt vườn. Chị vui vẻ, chân tình kể lại con đường khởi nghiệp của mình.
Quê chị ở trong đất liền, cách đây 20 năm, chị có chồng về đảo Hòn Tre. Chồng chị phụ giúp cho gia đình nhà chú với thù lao đi biển không ổn định lắm. Chị Thắm buôn bán vặt ở chợ. Thấy gia đình chú chồng rất khá giả nhờ nghề đánh cá. Trong thâm tâm vợ chồng chị Thắm có ước mơ, mong muốn được làm chủ một chiếc tàu nhỏ để đi biển. Anh và chị cần cù dành dụm suốt 10 năm liền, họ vay mượn thêm vốn từ những người bà con, được ngân hàng hổ trợ.
Cuối cùng, ước mơ của đôi vợ chồng trẻ, chí thú làm ăn đã thành hiện thực! Chị Thắm đứng tên làm chủ một chiếc tàu đánh cá có trọng tải 10 tấn. Biển cho chị mấy mùa cào trúng đậm, chị mua thêm một chiếc tàu nữa có trọng tải lớn hơn! Tuy là vợ, nhưng do bản tính nhanh nhẹn, nhạy bén, giao thiệp, mua bán giỏi nên hầu như chị Võ Thị Thắm nắm toàn bộ công việc làm ăn – anh Nguyễn Văn Tình – chồng chị vốn tính hiền lành, chân chất, vui vẻ chấp nhận, hài lòng làm người trợ thủ đắc lực cho chị! Hiện chị Thăm đang có một đứa con gái học ngành luật ở Đại học Cần Thơ. Chị quyết đầu tư cho con cái mình học hành đến nơi đến chốn, trở thành một người có ích cho xã hội.
Chúng tôi quan sát và tìm hiểu về nghề nuôi cá bóp trong lồng bè trên biển của chị Thắm: Bè cá có cấu trúc khá đơn giản, với giàn khung bằng các loại cây tạp to cỡ bắp tay người lớn. Bè rộng chừng 80m vuông, được nâng đỡ bằng những phuy nhụa dẽo, chia làm nhiều ô. Mỗi ô nuôi, dưỡng từng cỡ cá theo tháng tuổi, được bố trí hợp lý. Trên mặt bè có những lối ngang dọc vừa người đi, đóng bằng tre, ván đơn giản. Phía dưới bè là những lồng vèo bằng lưới nuôi cá.
Chị Thắm cho biết: chị đặt mua cá lứa (trưởng thành) ở Hòn Nghệ (Kiên Lương) cách Hòn Tre chừng 60km đường biển, hiện nay có giá 100.000đ/con (chừng non 1kg). Loại cá này tuy có đắt nhưng đã được thuần dưỡng khá tốt. Tỉ lệ cá sống đến thu hoạch trên 90%! Sau khi nuôi tốt chừng 9 tháng cá sẽ có trọng lượng từ 3kg đến 5kg. Với giá thức ăn (cá mồi) hiện nay (8.000 - 10.000đ/kg) – Trong khi cá thương phẩm có giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Với mỗi đợt xuất bè chừng 500 con, chị Thắm lãi trên 200 triệu đồng. Có năm bè cá chị xuất 3 đợt cá, trừ toàn bộ chi phí, chị thu về trên 600 triệu! Một con số mơ ước cho những nông, ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long dầu dãi, hai sương một nắng!
Chúng tôi thật sự khâm phục người phụ nữ ngư dân nhạy bén, biết cách làm ăn và thích nghi nhanh với thời thế. Hai chiếc tàu đánh cá của chị Thắm mỗi chuyến đi biển chừng 3 ngày trung bình đánh được từ 5 đến 10 tấn cá các loại. Sau khi lựa ra cá ngon xuất cho thương lái, có khi chỉ bù được chi phí. Số cá tạp còn lại khá nhiều, chị đem về bè cho cá bóp ăn! Như vậy thì không có lãi sao được!
Do vùng biển Tây Nam bị khai thác quá mức nên ngày nay đã suy giảm tài nguyên nghiêm trọng. Những năm gần đây xuất hiện nhiều kiểu đánh bắt tận diệt như “cào điện”, “cào bay” với mắt lưới nhỏ dưới 1cm. Các loại bẫy, dớn “12 cửa địa ngục” xuất xứ từ Trung Quốc, tràn sang phía Bắc, rồi dấn sâu xuống phương Nam, giăng giăng dưới biển như “thiên la địa võng”, bắt sạch sẽ các loài tôm cá.
Đánh bắt không có ăn như trước kia, nên nhiều ngư dân đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt với mô hình nuôi cá lồng trên biển. Đây là một nghề mới phát sinh từ mười năm trở lại đây nhưng cho kết quả khá tốt, ổn định. Cá bóp thịt thơm, ngon được thị trường HồngKong, Đài Loan và trong nước ưa chuộng. Nguồn cung cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên đây là một nghề có nhiều tiềm năng, hứa hẹn.
Thiết nghĩ, nếu các ngành chức năng có sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, giúp đỡ về vốn, đầu ra thì chắc chắc mô hình nuôi cá bóp sẽ thành công, giúp cho ngư dân có nguồn thu nhập khá, ổn định, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con.
Món ngon từ cá bóp
Cá bóp là là một loại cá biển da trơn có chất lượng thịt thơm ngon cùng với một số các loại hải sản hàng đầu ở Việt Nam như: cá thu, cá ngừ, cá dứa, cá chẽm, cá trích, cá đỏ, cá chim…
Ở vùng biển của một số các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có khá nhiều cá bóp tự nhiên cũng như nuôi trồng.
Cá sống ở môi trường nước mặn và lợ, thường ở những vùng biển có độ nước sâu và chảy mạnh.
Ngư dân đánh bắt cá bóp bằng lưới cào, đáy biển và câu lưỡi to. Có nhiều con cá bóp nặng trên 20 kí lô, thường thì khoảng vài ba kí. Cá bóp được bạn hàng thu mua của ngư dân, bán lại cho cho vựa cá. Bạn hàng bán lẻ mua về cắt khoanh ra bán (cá to), bán nguyên con đối với cá nhỏ.
Cá bóp mua về rửa sạch, xắt khoanh độ chừng non hai phân với cá to. Nếu cá bóp nhỏ ta có thể cắt khoanh dầy hơn.
Bắc nước cho sôi, dằn nhúm muối hột. Có thể dùng con cơm mẻ tán nhuyễn, me dốt, xoài sống, lá giang, giấm, chanh, khế để làm chất chua.Ớt sừng trâu xắt lát mỏng. bạc hà xắt lát xiêng, khóm xắt miếng, cà chua chẻ đôi, giá sống chừng một nạm…Rau cần dầy lá hoặc rau quế, rau om dùng để nêm lấy mùi.
Dùng thêm các loại rau ăn lẩu để nhúng ăn thêm như: rau muống, rau nhúc, cần, ống cù nèo, tai tượng, bắp chuối bào…Các loại rau nầyđể riêng ngoài mâm .
Lẩu sôi, nêm nếm gia vị sao cho bảo đảm chua, ngọt, mặn, cay,béo vừa phải…Cá bỏ từng khứa vào trụn, dạo trong lẩu, chín tới đâu, ăn tới đó. Rau nhúng dốt dốt hay nhừ, nhắm vừa ăn, tuỳ thích. Chấm với nước mắm ngon hoặc muối ớt vắt chanh.
Lẩu chua cá bóp có hương vị rất đặc trưng của miền biển vừa thơm, ngon, bổ và giá cũng bình dân. Giá 1 kí cá bóp tươi tại chợ Rạch Giá hiện nay trên dưới 150.000 đồng/kg. Một cái lẩu chua cá bóp cho bốn người ăn có giá dao động chừng 150.000 đến 250.000/lẩu tại các nhà hàng, quán ăn ở Cà Mau, Cần Thơ, Phan Thiết, Nha Trang và Rạch Giá, Hà Tiên.
Về cuối phương Nam, ra Hòn Tre (Đảo Rùa) thăm các thắng cảnh đẹp tuyệt vời, độc đáo còn nhuốm vẻ hoang sơ như Bãi Chén, Đuôi Hà Bá, Bãi Bàng, núi Phượng Hoàng, sau đó đi “taxi” rong ruổi trên vịnh biển, ghé các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nghe người ngư dân sớm hôm phong trần với nắng gió biển khơi kể chuyện biển, chuyện làm ăn, chuyện đời…Sau cùng, ta sẽ thưởng thức hải sản tươi sống như cua, ghẹ, ốc và tất nhiên phải có lẩu cá bóp rất ngon, lạ giữa một phong cảnh sơn thủy hữu tình thật là vô cùng thú vị!
Đặng Hoàng Thám/ Thương hiệu và Pháp luật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã