Ông Nguyễn Danh Hiện, Giám đốc vùng nuôi Cty TNHH Thủy hải sản Minh Phú - Kiên Giang, cho biết, toàn vùng nuôi của Cty có diện tích 600 ha, đã được quy hoạch thành 600 ao nuôi. Khi mới triển khai, giai đoạn 2006-2011 nuôi tôm ở đây rất thành công, mỗi năm có thể thả 2 đợt nuôi.
Tuy nhiên, từ năm 2012 cho đến nay, nuôi tôm gặp rủi ro nhiều do dịch bệnh gia tăng, thời tiết khắc nghiệt… Trong bối cảnh đó, Cty đã phải thay đổi vật nuôi để giảm dịch bệnh, cải tạo môi trường. Đối tượng được chọn để nuôi là cá rô phi đơn tính.
Theo ông Hiện, thay vì nuôi 2 vụ tôm/năm, Cty đã chuyển sang nuôi vụ cá, vụ tôm, tận dụng nguồn nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm. Cá rô phi đơn tính nuôi khoảng 6 tháng là thu hoạch, đạt trọng lượng từ 800g - 1 kg/con. Toàn bộ cá nguyên liệu được bán để gia công chế biến xuất khẩu. Mặc dù nuôi cá rô phi trong ao tôm lợi nhuận không nhiều nhưng bù lại vụ tôm nuôi sau đó ít gặp rủi ro hơn.
Mô hình nuôi ghép các rô phi với tôm thời gian qua đã được các nhà khoa học nghiên cứu cho thấy, giảm sự phát triển của Vibrio trong ao nuôi, hạn chế dịch bệnh; tận dụng được thức ăn thừa và chất thải hữu cơ trong ao, môi trường ao nuôi ổn định, năng suất nuôi tôm tăng lên. Cụ thể: cá rô phi giúp khống chế bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm, ngăn cản sự phát sinh mầm bệnh, giảm tỉ lệ tôm chết, đồng thời tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập cho người nuôi.
09-41-55_thu-hoch-c-ro-phi-nuoi-trong-o-tom-ti-vung-nuoi-cu-cty-tnhh-thuy-hi-sn-minh-phu-kien-ging
Hiện có một số mô hình nuôi ghép cá rô phi với tôm đang được các doanh nghiệp và người dân thử nghiệm tành công:
1. Nuôi tôm ghép chung với cá rô phi đơn tính (cho hiệu quả cao nhưng phải chọn thời điểm thả nuôi thích hợp vì lo ngại cá sẽ ăn tôm).
2. Dùng lồng lưới (vèo) nuôi cá rô phi và đặt trong ao tôm.
3. Nuôi cá rô phi ở một ao riêng sau đó lấy nước ao cá rô phi cấp cho ao tôm.