Đất đai suy thoái, ngộ độc, nông dân nhiều nơi đã quên hẳn thói quen bón phân hữu cơ.
Các chuyên gia thổ nhưỡng nông hóa lo lắng, thách thức lớn nhất trong công cuộc vực dậy ngành hữu cơ chính là việc người nông dân đang dần mất đi tập quán sử dụng phân hữu cơ, thay vào đó bà con chỉ sử dụng phân bón vô cơ, đặc biệt là NPK bởi tác dụng nhanh, hiệu quả ngay trước mắt mà chưa chú ý đến tác hại lâu dài.
Thói quen canh tác phân hóa học của nông dân và bản quyền chủng vi sinh vật là thách thức lớn với ngành phân bón hữu cơ |
Bên cạnh đó, tập quán chăn thả gia súc, gia cầm lấy phân dần mai một, trong khi công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp chưa bắt kịp nhu cầu khiến cung cầu ngày một cách xa hơn.
Hiện tại, ngoại trừ một số cơ sở đầu tư công nghệ sản xuất phân hữu cơ tiên tiến, đồng bộ từ nhà máy tới men vi sinh vật như Tập đoàn Quế Lâm, Sông Gianh, Dabaco, Thiên Sinh, Thiên Hòa... thì đa phần các doanh nghiệp khác vẫn sử dụng dây chuyền thiết bị đơn giản, chỉ dừng lại ở việc sử dụng vi sinh vật phổ biến để ủ nguyên liệu hoặc bổ sung một số chất sinh học, chất điều hòa sinh trưởng cơ bản... dẫn đến hiệu suất, hiệu quả sử dụng thấp.
Hơn nữa, ngoài Nghị định 108 ban hành tháng 9/2017, từ trước tới nay Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế, chính sách cụ thể nào về tín dụng, đất đai, thuế... khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Ngay cả Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón hữu cơ cũng chưa đầy đủ, thiếu các tiêu chuẩn về phương pháp thử đến từng loài, chủng vi sinh vật nên còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng và đăng ký lưu hành.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Mục tiêu của chính sách này phấn đấu tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm. Tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10% trong thời gian tới. Khuyến khích, vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn hiện nay.
Ông Phạm Anh Cường, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam chia sẻ, ngoài những khó khăn trên, theo quy định của Tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), để được công nhận là nông sản hữu cơ, nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ không được sử dụng chất thải từ chăn nuôi công nghiệp, rác thải hữu cơ trong rác sinh hoạt và các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ hóa thạch như than bùn, quặng phốt pho… Trong khi đó đây lại chính là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân hữu cơ tại Việt Nam.
Về vướng mắc này, Cục BVTV cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT có buổi làm việc với IFOAM nhằm trao đổi thống nhất một số nội dung về phân bón hữu cơ.
Song song đó, Cục BVTV cùng các chuyên gia, nhà khoa học sẽ sớm thống nhất xây dựng và ban hành quy trình, tiêu chí, chỉ tiêu, quy chuẩn sản xuất phân hữu cơ đối với từng nhóm nguyên liệu nhằm chứng minh tính hiệu quả, an toàn của sản phẩm với các tổ chức chứng nhận, giám định trong và ngoài nước.
Theo TS Lê Văn Tri, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón sinh học Việt Nam, thách thức lớn nhất với ngành phân bón hữu cơ Việt Nam chính là bản quyền và công nghệ vi sinh. Trong số hàng trăm doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp sử dụng các chủng vi sinh, chế phẩm sinh học có bản quyền chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong khi đó khác với ngành sản xuất phân vô cơ, với phân bón hữu cơ công nghệ vi sinh đóng vai trò quan trọng nhất.
Dó đó, TS Lê Văn Tri khẳng định, nếu Việt Nam không đầu tư xây dựng được ngân hàng hay trung tâm lưu trữ các chủng men vi sinh vật có quy mô và tầm cỡ khu vực để cung cấp đại trà cho các doanh nghiệp, nhà máy thì tham vọng mở rộng ngành phân bón hữu cơ khó thành hiện thực chứ chưa nói tới việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới, bởi đối tác nước ngoài họ đặc biệt coi trọng yếu tố bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung chia sẻ, trong năm 2018 Cục phấn đấu hoàn thiện cơ bản tiêu chuẩn, quy chuẩn về phân bón hữu cơ để phục vụ tốt nhất công tác quản lý nhà nước và xây dựng được ít nhất 3 phòng thử nghiệm kiểm chứng phân bón hữu cơ. Từ đó, Cục sẽ đề xuất Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân hữu cơ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã