Liên kết cùng thắng
Là một trong hai chuỗi sản xuất – cung ứng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, Công ty TNHH MTV Phát Đạt đã xây dựng được hệ thống trang trại khép kín, phân khu riêng biệt trên diện tích 15.000m2 với 4 dãy chuồng nuôi chứa 1.200 con lợn các loại. Hiện, mỗi tháng trang trại xuất trên 400 con lợn thịt với trọng lượng 30 tấn, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, công ty đã mở 2 cửa hàng bán thịt lợn an toàn trên địa bàn TP.Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên.
Liên kết chuỗi giúp tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm chi phí đáng kể |
Còn theo bà Dương Thị Quỳnh Liên - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Vân Hội Xanh, ngay sau khi thành lập, HTX đã bắt tay vào hướng dẫn các thành viên áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo hợp đồng với khách hàng; xây dựng kho chứa vật tư nông nghiệp...
Nhờ chất lượng được đảm bảo nên đến nay, HTX đã mở được 3 cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm ở thành phố Vĩnh Yên với số lượng 70 – 100kg/ngày/cửa hàng; liên kết với Công ty Ever Green để cung cấp cho thị trường Hà Nội; cung cấp cho các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, trường học... Bà Liên chia sẻ, so với làm ăn nhỏ lẻ, việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan.
Hiện, mỗi năm HTX sản xuất từ 7 – 9 lứa rau, bình quân thu nhập 500 – 600 triệu đồng/ha; sản phẩm của các thành viên cung cấp cho HTX giá cao hơn thị trường từ 5 – 7%, rau của HTX bán ra thị trường cao hơn các sản phẩm cùng loại từ 10 – 15%. Các xã viên không phải lo vấn đề “được mùa mất giá như trước đây”.
Tại Gia Lai, mô hình liên kết giữa DN và nông dân trồng mía đã mang lại những hiệu quả ngoài mong đợi, không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội.
Ông Huỳnh Vĩnh Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Ia Pa (Gia Lai) chia sẻ, để có quỹ đất đủ lớn, đảm bảo liền vùng liền mảnh, Công ty Thành Thành Công đã hợp tác chặt chẽ với 26 hộ dân dồn đổi ruộng từ 92 mảnh xuống còn 11 mảnh (tương đương 94ha) để thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía. Các hộ được công ty hỗ trợ giống, vật tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, nhờ vậy, lợi nhuận từ trồng mía tăng vọt.
Điều đáng ghi nhận là, từ mô hình liên kết ban đầu giữa 4 nhóm hộ nông dân với Công ty Thành Thành Công, diện tích 24,6ha, đến nay, trên địa bàn huyện Ia Pa đã có 71 nhóm liên kết trồng mía với diện tích 300ha và 220 hộ.
Khẳng định vai trò quan trọng của các HTX và nông dân trong việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết, 80% sản lượng mía nguyên liệu của nhà máy hiện nay là do nông dân cung cấp, sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và công ty đã giúp hình thành một vùng nguyên liệu mía rộng lớn ở xứ Thanh, giúp nhiều gia đình có công ăn việc làm ổn định và thu nhập khá cao.
Theo các chuyên gia, việc phát triển chuỗi liên kết giữa DN – HTX - hộ nông dân để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm chi phí (về sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm…).
Vẫn còn yếu và thiếu
Tuy nhiên, có một trong những điểm yếu của nông sản hiện nay là thiếu các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững. Theo thống kê, cả nước mới có khoảng 400 chuỗi liên kết, một con số quá nhỏ so với tiềm năng.
Ông Ma Quang Trung – Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) – chia sẻ: Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định.
Trong khi đó, các DN chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn. Tình trạng phá vỡ liên kết thường xuyên xảy ra dẫn đến hậu quả “được mùa mất giá”, hiệu quả kinh tế thấp, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa DN và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo.
“Việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng”, ông Ma Quang Trung nói.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm chi phí (về sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm…). Để làm điều này phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, có hai vấn đề khó nhất là xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định; và nhận thức của người tham gia HTX cũng như của người trong HTX.
Phát triển liên kết giữa DN với hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay đang là một yêu cầu đặt ra. Chính vì vậy, tham vọng lớn của Lam Sơn là sẽ xây dựng được 40 HTX kiểu mới ở 40 xã trên địa bàn Thanh Hóa để tập hợp nông dân trồng mía, rau, củ, quả an toàn theo phương thức, DN phải đóng góp cổ phần trong các HTX này để đảm bảo trách nhiệm mỗi bên.
“Không có con đường nào khác là phải liên kết với nông dân thì mới có vùng nguyên liệu bền vững”, ông Tam khẳng định.
Hà Sơn/ Thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã