Cung ứng giống chất lượng cho thị trường |
Điển hình là Tổ hợp tác SX lớn xã Mỹ Hòa (Tháp Mười) liên kết SX với Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp. Theo đó, Cty cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu với hình thức thanh toán sau 4 tháng nhận sản phẩm và không tính lãi suất...
Ngoài ra, Câu lạc bộ SX giống xã Bình Hiệp B, huyện Lấp Vò cũng liên kết SX và cung ứng cho thị trường từ 150 - 250 tấn lúa giống/năm. Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp giúp nông dân an tâm SX, lợi nhuận cao hơn từ 30 - 40% so với canh tác bình thường.
Triển khai CĐL đã giúp huyện Tân Hồng - một huyện biên giới có truyền thống SX nông nghiệp có điều kiện tiếp cận phương thức SX hiện đại, bền vững. Hằng năm, huyện liên kết SX hơn 7.500ha với hơn 2.000 hộ tham gia với các giống chủ lực gồm OM 4900; IR50404; Nếp (ghép đùm Long An) Nếp (An Giang); OM 6976; Jasmine 85... Ngoài ra, huyện còn hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang); Cty Halen (Long An); Cty Lộc Vàng (TP.HCM); Cty ADC và Cty Lương thực Tân Hồng.
Nông dân tham gia CĐL giảm giá thành SX lúa, tăng lợi nhuận từ 22 - 23 triệu đồng/ha/vụ |
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao nông dân còn tham gia các lớp tập huấn đầu vụ về công tác phòng trừ sâu bệnh hại, vệ sinh đồng ruộng, quản lý dịch hại, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào SX giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Áp dụng SX theo hướng “1 phải, 5 giảm” hay “3 giảm, 3 tăng” để đạt năng suất và hiệu quả cao.
Ông Hồ Văn Lý, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng cho biết, liên kết SX trên CĐL và bao tiêu sản phẩm đã giúp nông dân, THT, HTX phát huy được thế mạnh của kinh tế thị trường, nâng giá trị chuỗi lúa gạo nhằm phát huy tối đa những lợi thế của huyện.
Nhiều doanh nghiệp, HTX và nông dân đã nhận thức rõ về sự cần thiết, mục tiêu của chủ trương hợp tác, liên kết gắn với thị trường. Từ đó, có nhiều mô hình hợp tác tích tụ diện tích SX lớn (cho HTX thuê, nhường đất lại cho người trong gia tộc SX…).
HTX chủ động liên kết với DN cung ứng vật tư đầu vào để giúp nông dân giảm chi phí SX. Các DN đầu tư tổ hợp như kho bãi, nhà máy, chủ động tìm đến cùng bàn bạc giá cả tiêu thụ trong từng mùa vụ và hỗ trợ kinh phí để nông dân đầu tư SX.
Nông dân tham gia CĐL giảm giá thành SX lúa, tăng lợi nhuận từ 22 - 23 triệu đồng/ha/vụ |
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh rất năng động trong việc thu hút đầu tư và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Xác định DN là đầu tàu đưa chuỗi giá trị SX đi đến thành công, tỉnh đã vận dụng linh hoạt các chính sách theo hướng có lợi cho DN làm ăn liên kết, đảm bảo đầu ra cho dân. Hiện có nhiều chương trình hợp tác, ký kết đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực giúp bà con giảm giá thành, tăng lợi nhuận...