Học tập đạo đức HCM

Phòng tuyến' bò nội nguy cơ... bị thủng: Nuôi bò ba bê, ngồi lê có tiền

Thứ tư - 12/08/2015 03:34
Bò Úc tràn ngập rồi bò Pháp chuẩn bị được nhập vào Việt Nam khiến cho số phận con bò nội cùng chủ nhân của chúng dần trở nên khó khăn. Ghi nhận của NNVN từ một trong những vùng nuôi bò thịt tốt nhất cả nước…
Vỗ béo bò thịt ở Tòng Bạt

Nỗi lo của lão nông

Ngồi trên thuyền, ngắm dòng nước sông Hồng đang cuồn cuộn chảy ngầu bọt đỏ ngoài Hạ Bì (xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội), lão nông Kiều Quang Sĩ không khỏi lo lắng cho đàn bò ba con nái và một bê đang phải bơi rất vất vả qua con lạch để lên tới bãi chăn.

Nghĩ đến chuyện con bò chửa nhà ông Sáng cũng chết chìm ở quãng sông này nên lão càng chợn liền đổi hướng chèo, vung tay lùa đàn bò bơi ngược trở lại.

Chú bê đen sẫm và lạ lẫm như một chú bò tót nhỏ cứ gối lên u của con bò mẹ lai Sind, nhẹ nhàng bơi vào bờ. Nó là kết quả của một sự lai xa với giống bò siêu thịt khổng lồ nổi tiếng khắp toàn cầu BBB mà về ta dân vẫn quen gọi là "ba bê".

Ở vào cái tuổi 75, già cả, ít ngủ nên lão Sĩ nghiện nghe đài và rất quan tâm đến vấn đề thời sự sát sườn mình là chuyện bò nhập nội.

Riêng con bò Úc tràn vào đã khiến cho đời sống của người chăn bò khốn đốn vì giá hạ thế mà sớm nay lão lại còn nghe tin bò Pháp cũng chuẩn bị đổ bộ.

Tình hình xem ra còn nguy cấp hơn cả chuyện phải lùa bò lên bãi nổi Hạ Bì đúng dịp nước lũ tràn về. Trong lòng như có lửa đốt, lão thừ người ra lo lắng.

Không lo sao được khi mà chỉ mới đây thôi lão vẫn luôn miệng đắc ý với câu châm ngôn tự chế của mình: “Nuôi bò ba bê ngồi lê cũng có tiền”.

Nuôi bò thức ăn toàn rơm rác, cỏ cây trong khi bán được nhiều tiền hơn hẳn nuôi lợn đã đành, đằng này lại là bò ba bê nữa thì càng lãi.

Nhà nông như lão cứ ví giá các loại bò cũng như giá gỗ sung, gỗ xoan và gỗ lim cho tiện, trong đó bò ba bê là gỗ lim, còn “bò cóc” (bò vàng nội), bò lai Sind là gỗ sung, gỗ xoan. Làm sao dễ bán, được giá bằng?

16-17-28_dsc_0309
Nghề nuôi bò sinh sản

Thế mà giá bò cứ hạ dần đều. Lứa đầu lão bán con bê 4 tháng tuổi được 18 triệu, lứa hai con bê 4 tháng tuổi chỉ bán được 17 triệu, lứa ba con bê 4 tháng tuổi tụt xuống chỉ bán được có 13 triệu.

Đó là giá bê BBB chứ còn bê lai Sind, nhà bà Đỗ Thị Kế sát bên có con đực 7 tháng tuổi, đẹp như mộng nhưng vẫn bú mẹ tọp tọp, phải nuôi “báo cô” bấy lâu nay vì bán mãi không trôi, thương lái đến ai cũng trả giá rẻ quá.

Cứ địa của bò khổng lồ

Tòng Bạt là một xã có nghề nuôi bò phát triển của huyện Ba Vì với số đầu đại gia súc lúc nào cũng trên 2.000 con.

Trước đó đã có một cuộc cách mạng chuyển từ bò cóc sang bò Sind ở huyện bằng cách thành phố hỗ trợ tinh 100%. Để giờ đây tìm được một con bò cóc còn khó hơn cả chuyện bắc thang lên giời.

Từ con Sind cái nền phối với tinh bò khổng lồ BBB nhập ngoại sẽ tạo ra con lai F1 với nhiều đặc điểm vô cùng xuất sắc. Lọt lòng đã nặng 30-32 kg trong khi con bê giống khác chỉ 18-20 kg.

4 tháng tuổi có thể nặng trên 2 tạ tức ăn ra trên 70 kg hơi so với bò thường. 17-18 tháng tuổi đạt trung bình 5 tạ, 22-24 tháng tuổi đạt 6-7 tạ, cá biệt có con còn trên 8 tạ.

Tỷ lệ thịt xẻ của bò lai BBB hiện cao nhất, đạt 55-57%, hoàn toàn ưu thế so với bò lai Sind (trọng lượng 3 tạ, tỷ lệ thịt xẻ đạt trên 40%).

16-17-28_dsc_0297
Hiện đàn bò cái ở Tòng Bạt 70% phối tinh BBB (dùng làm bò thịt)

Chính vì thế mà giá bán thịt hơi của bò lai BBB hiện cao hơn hẳn, trung bình 80.000-85.000đ/kg so với bò lai Sind 67.000-70.000đ/kg.

Năm 2012 Tòng Bạt bắt đầu tiếp nhận dự án bò BBB. Mới đầu có rất nhiều khó khăn với nhiều sự lầm tưởng như phối bò BBB nghĩa là được ba con bê, như phối bò BBB là phải mổ bò mẹ vì bê to quá...

Nhờ tuyên truyền vẫn có 800 hộ đăng ký tham gia để được tập huấn kỹ thuật, để được cấp tinh miễn phí.

Ngắm cái bụng con bò lai Sind của nhà cứ ung ủng to lên hàng ngày, nhiều người “dọa” cán bộ kỹ thuật: “Hễ bò nhà tôi mà không đẻ được là bắt đền ông đấy”.

Ngày 24/4/2013 con bò cái nhà anh Nguyễn Văn Hòa ở thôn Tòng Thái đã có dấu hiệu khai hoa, nở nhụy sau hơn 9 tháng mang thai. Nó là con bò đầu tiên trong lứa cái Sind nền thụ tinh nhân tạo với bò BBB.

Bò mẹ vỡ ối, chủ nhân gọi rối rít thú y. Anh Đỗ Văn Xuất buông dở bát cơm hộc tốc chạy đến thì nó đã đẻ xong tự lúc nào. Con bê nặng đúng 32 kg trong khi bê lai Sind thông thường chỉ khoảng 20 kg. Tuy thân to nhưng đầu nhỏ nên mẹ nó đẻ khá dễ.

Biết tin, cả xóm đến xem rồi bình luận râm ran rằng con bò vàng đẻ ra con bê không u, không yếm lại còn loang lổ khoang đen, khoang trắng. Bò thịt giờ khéo thành bò sữa mất rồi.

Dù mới đẻ được chừng nửa tiếng, lông trên người còn ướt rượt con bê đã lẩy bẩy dậy. Nó đứng loạng quạng chưa vững mà bú “bục bục” tóp cả vú mẹ. Bê bình thường phải mất 2-3 tiếng mới làm được điều đó.

Một tuần sau quay lại thăm, con vật trông khác như thể được bơm hơi. Xóm làng yên tâm khi hàng loạt con bê lai BBB ra đời mà không phải gọi đến thú y nữa.

Nhờ kích thước khổng lồ và tỷ lệ thịt xẻ vượt trội, các con bê lai BBB bắt đầu được thương lái săn đón, mua với giá cao hơn bê thường 5-7 triệu.

Chuyện sốt bò ba bê càng trở nên sùng sục khi con nái nền nhà anh Sơn trong xóm liên tục đẻ 3 lứa sinh đôi giúp cho chủ nhân của nó bán xong ôm một buộc tiền.

Loạt đầu, loạt thứ hai thắng lợi ròn rã nhờ phối bò ba bê, thấy nhà bên nuôi được tiền, nhiều người trở nên sốt ruột. Do con lai rất to nên nguyên tắc là bò cái nền ngoài thể trọng lớn còn phải đẻ một vài lứa cho khung xương chậu giãn ra mới được phối tinh BBB.

Thế mà lắm người bò cái nhà mình vẫn còn… trinh nhưng lại ép dẫn tinh viên phải phối tinh BBB: “Tội vạ đâu tao chịu!”.

Mấy con bò là cả cơ nghiệp của anh Vũ Văn Đô. Vừa rồi anh bán một lứa 2 con bê được 41 triệu. Trừ tất tật lãi được 20 triệu đồng cho 15 tháng trời chăm sóc từ lúc bò mẹ đậu thai đến khi xuất bê ra khỏi chuồng.
Nuôi bò ở ngay trong khuôn viên đất ở thế này chật chội, ô nhiễm nên anh ước ao được vay vốn, được quy hoạch ra một khu chăn nuôi tập trung nào đó để dựng trại. Nuôi 2 con bò vẫn mất 1 lao động mà nuôi 10 con bò vẫn chỉ mất 1 lao động mà thôi.

Năm đầu tiên ở Tòng Bạt 800 con bò nái nền đã sinh ra hơn 700 con bê lai (trừ tỷ lệ sẩy thai, chửa rồi bị bán hoặc bò mẹ ốm chết). Năm sau con số này tăng lên đột biến với 1.400 nái xin đăng ký phối khiến cho hai dẫn tinh viên của xã phải căng ra như dây đàn nhiều khi làm cũng không hết việc.

Mỗi con bò phối lần đầu mà chửa họ được hưởng 150.000đ tiền công nhưng nếu phải phối sang lần sau sẽ không được tính. Ngày cao điểm có người nhận trên mười cuộc gọi.

4-5 giờ sáng chẳng kịp đánh răng, rửa mặt nhưng chủ bò phát hiện dấu hiệu sớm vẫn phải đi phối, 9-10 giờ đêm nhiều lúc vẫn lọ mọ ở chuồng. Phối giống khi trời đang mát tỷ lệ đậu mới cao. Lỡ cái là mất 21 ngày con nái mới có chu kỳ lại, thiệt hại kinh tế biết bao nhiêu mà kể.

Bởi thế mà vào những ngày cao điểm, anh Xuất cứ đi suốt, từ sáng đến tối rồi lại từ tối đến sáng, chỉ nhảo về nhà những lúc phải ăn cơm. Chị vợ cằn nhằn: “Chẳng biết ông đi phối bò bốn chân hay hai chân đây?”.

Hiện đàn bò cái ở Tòng Bạt 70% phối tinh BBB (dùng làm bò thịt) còn lại 30% phối tinh Sind (dùng làm con cái nền). Để chăm chút cho đàn bò, dân Tòng Bạt trồng cỏ, trồng ngô rồi chặt nhỏ, bổ sung rỉ mật, ure ủ chua tăng dưỡng chất.

Không chỉ vậy, những thứ tưởng như phế thải phải đốt như rơm cũng được phơi phóng rồi cất trữ. Họ tích rơm hơn cả tích lúa vì giá 1 tạ rơm khô lúc khan hàng cũng bán được 500.000đ.

Khi tôi đến nhà anh Vũ Văn Đô, hai con bê BBB đẹp lộng lẫy đang ngoe nguẩy đuôi tít mù ở trong chuồng. Đây là lứa thứ ba cặp bò mẹ của nhà anh đẻ.

Do chủ nhân chăm sóc quá mức nên thai toàn to, nặng tới 40 kg, không thể tự đẻ mà toàn phải có người hỗ trợ xoay rồi kéo ra theo nhịp rặn. Thường mỗi ca đỡ đẻ cho bò như vậy mất 15 phút.

 
Nguồn: NNVN
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập255
  • Hôm nay78,909
  • Tháng hiện tại784,022
  • Tổng lượt truy cập90,847,415
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây