Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, huyện Phú Xuyên có diện tích đất bãi giáp sông Hồng giàu phù sa, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây rau màu với hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên đã tổ chức hội nghị và ban hành thông báo kết luận về việc mở rộng diện tích trồng nấm xã Nam Triều và xã Tân Dân, mở rộng diện tích trồng măng tây xã Hồng Thái. UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành các Quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, thành lập tổ giúp việc Ban chỉ đạo.
Mô hình thí điểm trồng măng tây công nghệ cao tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đạt kết quả tốt. |
Dự án trồng nấm huyện Phú Xuyên
Trước việc trồng nấm của HTX nông nghiệp Phú Tân mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND thành phố Hà Nội và Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phú Xuyên đã quan tâm chỉ đạo, triển khai mở rộng diện tích trồng Nấm theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và bước đầu đã cho kết quả tốt. Mô hình trồng Nấm được triển khai và bắt đầu từ tháng 6 năm 2014 tại trường học cũ của thôn Phong Triều, được chủ đầu tư cải tạo các phòng học cũ làm nơi sản xuất với diện tích khoảng 400m2.
Hiện tại chủ cơ sở đã đầu tư được 01 lò hấp công suất 2.000 bịch/lần hấp, 01 nồi hơi, 01 máy trộn, 01 băng truyền, 01 máy bơm rơm… Trong đó, nấm mà cơ sở đang sản xuất chủ yếu là nấm sò. Nấm Sò có 40.000 bịch, năng suất trung bình 100kg/ngày, với giá bán từ 22 đến 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi được từ 01 đến 02 triệu đồng/ngày.
Thị trường nấm Sò được bán lẻ ở các chợ của thành phố. Hiện nay cơ sở đang gặp khó khăn và hạn chế về thuê đất nên chưa dám mạnh dạn đầu tư, được biết doanh nghiệp đang làm việc với xã có thể thuê đất lâu dài để đưa vào đầu tư và mở rộng sản xuất. Ngoài xã Nam Triều thực hiện mô hình trồng nấm, thì xã Tân Dân cũng thực hiện trồng nấm rất tốt tại thôn Thường Liễu với diện tích 300m2, được cải tạo từ khu đất công đổ chất thải nạo vét của sông Nhuệ. Hiện tại chủ cơ sở đã đầu tư được một lò hấp, công suất 25.000 bích/lần hấp.
Diện tích trồng nấm của xã Tân Dân nhỏ nhưng hiệu quả cao như nấm Sò có 15.000 bịch, năng suất trung bình 25-30kg/ngày, giá bán 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi được 400 - 450 nghìn đồng/ngày. Nấm Mộc nhĩ có 10.000 bịch, năng suất trung bình 07kg/ngày, với giá bán 11 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi 200 nghìn đồng/ngày. Mô hình trồng nấm của xã Tân Dân và xã Nam Triều sau hơn 4 năm thực hiện rất tốt, đã chứng tỏ phù hợp với vùng đất cát pha của địa phương và đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường rộng lớn trong nước.
Hiện nay UBND xã Tân dân đã bố trí mặt bằng và hướng dẫn HTX nông nghiệp Phú Tân xây dựng và triển khai thực hiện đề án… Đến nay xã đã tiến hành bàn giao diện tích 4500m2 đất (quỹ đất công do UBND xã quản lý) tại thôn cánh Đầu Đình, Thường Liễu để triển khai thực hiện và sản xuất.
Dự án măng tây xã Hồng Thái
Xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), có vùng đất bãi với diện tích trên 100 ha thuộc địa phận của rất thích hợp để trồng cây rau. Từ năm 2013 đến nay, một số xã viên HTX nông nghiệp Phú Thái đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 2 ha cây măng tây xanh tại xứ đồng Bập Râu của thôn Duyên Trang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống. Thực hiện dự án “Mở rộng diện tích trồng cây măng tây xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên”, đến nay công tác chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị giá thể ươm cây giống đã hoàn tất.
Toàn thể diện tích 2 ha đã được giải phóng mặt bằng và làm đất xong trước ngày 15/3/2017 (kinh phí giải phóng mặt bằng và thuê đất 2 năm đầu là 600 triệu đồng), giá thể ươm cây được phối trộn tỷ lệ theo hướng dẫn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 15 tấn. Việc chuẩn bị nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho vườn ươm, đến ngày 10/4/2017 đã chuẩn bị đủ 30.000 bầu ươm cây. Số lượng phân bón cần để triển khai mô hình khoảng 150 - 200 tấn phân hữu cơ vi sinh (bón lót) với kinh phí 400 triệu đồng.
Xây dựng trạm bơm dã chiến với kinh phí 500 triệu đồng để bơm nước trực tiếp từ sông Hồng vào bể chứa, hiện nay trạm bơm hoạt động tốt, đảm bảo công tác tưới cho mô hình. Xây dựng bể lắng 600m3, bể chứa 60m3, bể lọc 2m3, với kinh phí 150 triệu đồng. Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt có chiều dài 10.000m với kinh phí 150 triệu đồng. HTX rau quả Hồng Thái đã mua máy móc phục vụ làm đất, lên luống và làm cỏ, máy phun thuốc BVTV với kinh phí 100 triệu đồng. Xây dựng nhà kính trồng măng tây trắng với diện tích 3.200m2, kinh phí 960 triệu đồng.
Về công tác ngâm ủ, ươm và chăm sóc cây con, ngày 31/3/2017, UBND huyện Phú Xuyên nhận được 30.000 hạt giống và đã bàn giao cho UBND xã Hồng Thái tổ chức ngâm ủ theo hướng dẫn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đến ngày 13/5/2017, xã Hồng Thái đã gieo hết 30.000 hạt giống Măng, tỷ lệ nảy mầm đạt 92%.
Từ ngày 15/8 đến hết ngày 02/9/2017, HTX rau quả Hồng Thái đã tiến hành trồng làm 3 đợt. Tổng diện tích trồng đuộc là 1,3 ha cây Măng tây với trên 24.500 cây măng, trong đó cây măng tây trắng trong nhà màng nhà lưới 0,3ha, số cây giống đã trồng khoảng 6.500 cây và 01 ha măng tây xanh, số cây giống đã trồng khoảng 18.000 cây. Sau khi trồng toàn bộ diện tích Măng đã được HTX tiến hành che phủ nilon để hạn chế cỏ dại và ảnh hưởng của mưa lớn.
Về quy trình trồng cụ thể đối với giống măng tây của Hà Lan thực hiện trồng theo hàng đơn, đất trồng được tiến hành cày sâu từ 40 - 50cm, Mặt luống rộng 80cm và cao 30cm, Rãnh rộng 60cm, khoảng cách giữa các cây khoảng 30 - 35cm. Sử dụng phân chuồng, phân lân Lâm Thao và NPK Việt Nhật, trộn đều với đất trước khi lên luống trồng và bón lót cho cây. Định kỳ sau trồng 15 ngày/lần bón bổ sung phân hữu cơ cho cây. Để hạn chế các đối tượng gây hại trong đất, cần tiến hành xử lý đất trước khi trồng, có thể sử dụng thuốc Baszin liều lượng 13 - 15 kg/ha. Sau gần 7 tháng trồng và chăm sóc đến nay, cây măng tây đang sinh trưởng và phát triển tốt, từ tháng 3/2018 đã bắt đầu cho thu hoạch. Do số lượng hạt măng đợt 1 chỉ đủ trồng diện tích 1,3ha, HTX rau quả Hồng Thái đã liên hệ với công ty Hà Lan để mua bổ sung 15.000 hạt và đã tiến hành ươm thành cây con và đưa vào trồng thêm 0,7 ha măng tây xanh.
Để dự án trồng măng tây xã Hồng Thái và dự án trồng Nấm xã Tân Dân và xã Nam Triều đạt kết quả tốt, thiết nghĩ UBND thành phố Hà Nội cần quan tâm, hỗ trợ về kinh phí triển khai mô hình, tiếp tục mời chuyên gia tập huấn theo từng giai đoạn cụ thể, chỉ đạo các Sở ngành thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Phú Xuyên trong quá trình triển khai mô hình trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Có như vậy, các dự án trên của huyện Phú Xuyên mới có thể phát huy tối đa lợi thế, hoạt động sản xuất mới đạt kết quả tốt nhất, thu nhập của người dân địa phương sẽ được tăng lên. Kinh tế - xã hội của địa phương mới phát bền vững.
Cửu Long/ Gia đình và pháp luật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã