Những năm qua, phụ nữ Quảng Ninh đã mạnh dạn, chủ động tiếp cận kiến thức mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình gắn với chủ trương phát triển kinh tế địa phương.
Rất nhiều chị em với niềm đam mê, quyết tâm làm giàu chính đáng đã chủ động học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng về mọi phương diện để tự khẳng định vai trò và vị trí xứng đáng của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Nhiều phụ nữ đã cùng với gia đình của họ nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; tích cực tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư triển khai thực hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút và tạo việc làm cho các lao động khác trên địa bàn.
Giúp nhau thoát nghèo
Chị Lê Thị Đua, hội viên Hội phụ nữ xã Quảng Thành (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) vốn có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng mất sớm, bản thân chị thường xuyên ốm đau, bệnh tật phải nuôi hai người con trai ăn học.
Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2016, chị đã xin hỗ trợ 110 con gà giống và được tạo điều kiện vay vốn 50 triệu đồng của ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà... Nhờ phát triển đúng hướng, kinh tế gia đình chị Đua đã sớm ổn định, mỗi năm cho thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng. “Trước đây, gia đình tôi có hoàn cảnh rất khó khăn, nhờ được hỗ trợ vật nuôi và tạo điều kiện vay vốn của Hội Phụ nữ xã Quảng Thành. Đến nay gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo và có cuộc sống ổn định”, chị Đua chia sẻ.
Cũng giống như gia đình chị Lê Thị Đua, gia đình chị Đinh Thị Mỳ, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành trước đây cũng là hộ gia đình nghèo của xã. Mặc dù hai vợ chồng trẻ rất chịu khó lao động nhưng do không có công ăn, việc làm ổn định và thiếu vốn nên thu nhập của gia đình rất bấp bênh.
Nhờ được hỗ trợ mô hình vật nuôi, gia đình chị Lê Thị Đua, xã Quảng Thành (tỉnh Quảng Ninh) đã vươn lên thoát nghèo. (Nguồn: QTV) |
Nhận thấy hoàn cảnh của gia đình chị, năm 2015, Hội Phụ nữ xã Quảng Thành đã vận động được các ban, ngành của tỉnh, huyện hỗ trợ gia đình chị 1 con bò sinh sản với trị giá 25 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị đã phát triển mô hình chăn gia súc, gia cầm, tích cực trồng cây nhãn lồng và xin được việc làm ổn định với thu nhập 5-6 triệu đồng/ tháng. Đời sống kinh tế của gia đình chị ngày càng được nâng lên. Năm 2018, gia đình chị Mỳ còn xây dựng được một căn nhà cấp bốn khang trang, kiên cố với trị giá 150 triệu đồng.
Trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Quảng Thành đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, sinh hoạt các câu lạc bộ, thông qua các lớp tập huấn, biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi…Bên cạnh đó, Hội còn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phong trào giúp hộ gia đình phụ nữ nghèo có địa chỉ.
Mô hình của Hội Phụ nữ xã Quảng Thành là một trong hàng trăm mô hình hiệu quả, sáng tạo giúp các chị em phụ nữ của tỉnh vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ từ huyện tới cơ sở ở Quảng Ninh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo các chi hội, các tổ phụ nữ duy trì các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều cách làm thiết thực. Qua đó, nhiều gia đình hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vươn lên, ổn định cuộc sống.
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế
Thời gian qua, nhiều phụ nữ trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhiều chị em đã trở thành điển hình trong các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và “Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Tiêu biểu như doanh nhân Trần Thúy Tập, Giám đốc Nhà máy Bia Thăng Long (phường Yên Thanh, TP Uông Bí). Nhà máy được thành lập năm 2004 để sản xuất bia rượu, phân phối thực phẩm, dịch vụ nhà hàng tiệc cưới.
Theo lời kể của bà Tập, giai đoạn 2011-2015, bà đầu tư hơn 13 tỷ đồng để ứng dụng khoa học, công nghệ sản xuất rượu mơ Yên Tử, rượu mơ Song Lộc, rượu ba kích Yên Tử, nước cốt mơ, nước mơ muối Yên Tử. Từ năm 2016, Nhà máy đã có 3 sản phẩm OCOP và bước đầu được xuất khẩu. Nhờ đó, bình quân hàng năm, Nhà máy luôn có doanh thu trên 80 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Phụ nữ Quảng Ninh còn có nhiều chị thành công ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như chị Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Dung Huy (Hoành Bồ). Chị Dung hiện có trang trại rộng hơn 13ha trồng lan chất lượng cao tại xã Sơn Dương. Chị Dung còn ưu tiên phát triển giống lan bản địa của Hoành Bồ trồng nhiều loại hoa khác cùng với hơn 5ha thanh long ruột đỏ, ngô nếp giống mới, nuôi tắc kè sinh sản cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Dung (đội mũ), Giám đốc Công ty TNHH Dung Huy, giới thiệu với khách tham quan dự án trồng lan của mình. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Không chỉ chị Dung, chị Tập, mà nhiều chị em phụ nữ khác đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 20 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế giỏi. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã tín chấp với các ngân hàng cho hội viên vay trên 500 tỷ đồng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mỗi địa phương tùy vào đặc điểm tình hình mà cụ thể hóa các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”…
Từ các chương trình đó, đã xuất hiện hàng loạt phụ nữ làm kinh tế giỏi như chị Đặng Thị Tâm, thôn Nà Cáng, xã Quảng An (Đầm Hà) mở xưởng mộc rộng 2.500m2 đất xẻ gỗ xuất khẩu. Tổng thu nhập bình quân của gia đình chị hàng năm khoảng 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hay như chị Tạ Thị Mai, thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng (Tiên Yên) đầu tư xây dựng mô hình trang trại với diện tích 19,2ha để nuôi tôm, trồng keo, nuôi dê, gà, nuôi tôm công nghiệp chất lượng cao. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình chị đạt 1,3-1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động…
Tác giả bài viết: Xuân Cúc
Nguồn tin: baoquocte.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã