Bà Nguyễn Thị Tình ở HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng cho biết gia đình bà gieo cấy được 1 ha lúa, sử dụng các giống Khang dân và HT1. Đến nay đã thu hoạch xong diện tích trên, năng suất đạt 7 tấn/ha. Với giá bán 6.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, tính ra vụ này bà có lãi được hơn 25 triệu đồng từ trồng lúa.
Với gia đình ông Nguyễn Hậu ở tại HTX Kim Long, vụ HT năm nay gieo gần 0,75 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như HT1, HN6. Nhờ gieo sạ cùng trà nên diện tích lúa của gia đình ông chín đồng loạt. Rút kinh nghiệm các vụ mùa trước, khi thấy cây lúa chín gần 80% ông Hậu đã thuê máy gặt để đưa về nhà, năng suất đạt gần 7 tấn/ha.
Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hải Lăng cho biết, vụ HT 2018, toàn huyện gieo cấy hơn gần 7.000 ha lúa. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, cơ cấu các loại giống lúa ngắn ngày và rất ngắn ngày, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh nên lúa phát triển tốt. Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, đề phòng có mưa lũ xảy ra, những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi và thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nên đến thời điểm này huyện Hải Lăng đã thu hoạch hoàn thành, năng suất bình quân đạt trên 61 tạ/ha.
Hiện các huyện Triệu Phong,Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh… cũng đang thu hoạch lúa HT để tránh lũ sớm xảy ra bất kỳ lúc nào khi thời tiết đã bước sang giữa tháng chín.
Bà Nguyễn Hồng Phương- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt -BVTV Quảng Trị cho biết vụ HT 2018 ở địa phương diễn ra trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về thiên tai và dịch bệnh. Với áp lực cao về thời vụ, cùng với các đợt nắng nóng xảy ra gay gắt trong tháng 6 đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy của nhiều địa phương, gieo cấy chậm hơn lịch thời vụ của tỉnh từ 10 - 15 ngày và quá trình chăm sóc, bón phân thúc cho cây lúa chậm trễ do khô hạn.
Cùng với đó đợt mưa lớn ngày 4/6/2018 đã làm cho hơn 400 ha lúa bị chết, phải gieo lại. Đầu vụ ốc bươu vàng, chuột và rầy lưng trắng xuất hiện gây hại ngay khi lúa vừa mới gieo. Có thời điểm diện tích nhiễm rầy đến gần 11.000 ha, chiếm gần 50% diện tích lúa toàn tỉnh. Thời điểm đó Chi cục đã cử cán bộ thường xuyên bám ruộng, lội đồng, kịp thời động viên, chia sẻ với nông dân, các HTX kiểm tra việc thực hiện hướng dẫn của cơ quan chuyên môn... giúp cho sự chỉ đạo, lãnh đạo được đồng bộ, sát đúng với thực tiễn sản xuất.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, sự đồng lòng đồng sức ủng hộ của bà con nên lúa HT tiếp tục được mùa, năng suất dự kiến trung bình đạt 52 tạ/ha.
Lúa HT ở huyện Gio Linh sản xuất theo công nghệ hữu cơ |
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, ngoài diện tích sản xuất lúa thường, còn có mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ giữa Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị và Cty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị sản xuất theo công nghệ Ong biển đã thực hiện qua 3 vụ, với tổng diện tích gần 400 ha. Đây có thể xem là mô hình liên kết 5 nhà đầu tiên của tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà phân phối. Vụ HT 2018 là vụ thứ 3 thực hiện mô hình với diện tích 145 ha tại 8 HTX, tổ hợp tác của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong.
Hiện nay, mô hình lúa hữu cơ đang bước vào thu hoạch. Qua theo dõi, đánh giá từ các địa phương cho thấy, năng suất bình quân của ruộng mô hình hữu cơ đạt từ 4,7 - 6 tấn/ha. Trong đó, cao nhất tại HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh đạt hơn 7 tấn tạ/ha. Với giá thu mua tại ruộng của Cty 8 ngàn đồng/lúa tươi, sau khi trừ chi phí đầu tư, bà con nông dân làm lúa hữu cơ có lãi hơn so với sản xuất đại trà từ 8 - 18 triệu đồng/ha.
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Phương, vụ này có gần 4.000 ha sản xuất theo cánh đồng lớn, trong đó 500 ha sản xuất theo quy trình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, gần 200 ha sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp đã mang lại giá trị tăng hơn từ 20 - 30% so với sản xuất lúa truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị các địa phương vận động bà con huy động toàn bộ máy móc, phương tiện khẩn trương ra đồng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Đồng thời huy động nhân lực, phương tiện tổ chức chuẩn bị giống, vật tư đầy đủ để chủ động triển khai sản xuất vụ ĐX năm 2018 - 2019 khi có lịch thời vụ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã