Rừng của làng mình, nhóm hộ mình…
Ở xã Măng Cành, huyện Kon Plong này, A Nó được biểu dương là nhóm trưởng tích cực nhất cùng với những A Reo ở làng Kon Năng, A Luông làng Kon Chênh… Sinh ra giữa rừng, mở mắt đã thấy rừng, với A Nó rừng là mái nhà che suốt một đời người, nhưng bà con thì không phải ai cũng nghĩ được như vậy. Cho rừng là “của nhà nước”, người vô tư đốt rừng làm rẫy, người thờ ơ nhìn lâm tặc phá rừng…
Người dân ký cam kết chung tay bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Tấn
Từ sự ra đời của mô hình “rừng cộng đồng”, tình trạng phát rừng làm rẫy tuy có xảy ra nhưng số vụ đã giảm hẳn và chủ yếu là đồng bào cơi nới thêm rẫy cũ. Diện tích rừng bị cháy do đốt rẫy từ 2011 – 2015 chỉ 3,2ha nhưng chỉ trên tầng thảm mục, không gây thiệt hại tới tài nguyên rừng. Đặc biệt số vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép giảm hẳn… |
Để giữ rừng, trước năm 2013 nhà nước đã thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng nhưng hiệu quả chưa cao do thù lao thấp. Từ năm 2015, với chính sách chi trả DVMTR, thù lao được nâng lên 400.000 đồng/ha/năm, rừng khoán hẳn cho cộng đồng nên việc bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến…
A Nó cho biết, mỗi làng, thôn chia thành từng nhóm 30 - 40 hộ, mỗi nhóm hộ được giao 300–400ha rừng (bình quân mỗi hộ đảm nhận 30ha). Nhóm hộ nào lô, khoảnh nấy, có biển ghi tên chủ rừng cụ thể. Cuối năm rừng sẽ được nghiệm thu và trả tiền một lần, có sự giám sát của chính quyền. Năm 2015, bình quân mỗi hộ được trả gần 8 triệu đồng, số tiền tuy chưa lớn nhưng rất ý nghĩa với bà con. Cái được lớn hơn chính là ý thức giữ rừng của đồng bào được nâng cao. Tư duy “rừng nhà nước” đã nhường chỗ cho khẩu hiệu: “rừng của làng mình, nhóm hộ mình”…
Cộng đồng chung sức
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plong được giao quản lý trên 53.821ha rừng. Ông Vũ Văn Bắc - Giám đốc Công ty cho biết: “Từ nguồn kinh phí DVMTR, năm 2015 công ty đã triển khai giao khoán bảo vệ rừng theo mô hình cộng đồng và đến nay đã giao khoán trên 20.732ha cho 665 hộ (tương đương 22 nhóm hộ) và 7 cộng đồng dân cư bảo vệ. Đặc điểm của rừng Kon Plong là địa hình chia cắt, hiểm trở, mùa khô thường kéo dài, dễ xảy ra cháy rừng; diện tích rừng công ty quản lý chủ yếu lại nằm ở các xã vùng sâu nên việc giao khoán bảo vệ rừng theo mô hình cộng đồng đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Bắc, chính sách chi trả DVMTR cũng còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, đơn giá chi trả cho 1ha rừng còn thấp và chưa cụ thể hóa đơn giá cho từng lưu vực; một số quy định không nhất quán, chưa sát thực tế từng địa phương dẫn đến đơn giá chi trả cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư, nhóm hộ còn mang tính chất bình quân. Công tác kiểm tra, nghiệm thu của ngành chức năng còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc chi trả cho người dân và cộng đồng nhận khoán cũng như hạch toán lợi nhuận quản lý của công ty… “Khắc phục được những hạn chế này, chắc chắn ý thức bảo vệ rừng của đồng bào sẽ được nâng cao. Họ sẽ thực sự coi rừng là nguồn sống, giữ rừng là một nghề để gắn bó lâu dài” - ông Bắc nói.
Theo Danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã