Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, bão số 12 làm ngã đổ gần 9.000ha keo, trên 2.014,6ha cao su tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân. Sau bão, nông dân thu dọn rẫy keo, vườn cao su trồng lại, nhưng hiện các vườn ươm không còn cây giống bán. Trong khi trời mưa to, đường lầy lún xe tải không vào mua, keo gãy biến thành củi khô.
Thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, bão số 12 vừa qua làm ngã đổ 5.289ha keo, trong đó diện tích keo của người dân trồng là 4.289ha và của BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân là 1.000ha. Ước thiệt hại khoảng 26,4 tỉ đồng.
Tại xã Đa Lộc, bão quật ngã đổ 370ha keo. Nông dân thu dọn bán gỗ keo nhưng không có cây giống trồng lại. Ông Bùi Văn Quang, ở xã Đa Lộc cho hay giá gỗ nguyên liệu rừng trồng trước từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn, nay giảm xuống 600.000 - 800.000 đồng/tấn. Ngược lại keo giống trước mưa bão chỉ 400 đồng/cây, nay tăng lên 800 đồng/cây mà không mua được.
Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết bão về ngoài thiệt hại nhà cửa, thì riêng mảng lâm nghiệp thiệt hại nặng nhất khi hàng loạt vườn keo của dân bị gãy đổ. Hiện đang là mùa mưa, thích hợp cho việc trồng keo, khi keo bén rễ, tiếp tục trồng sắn xen vào. Thế nhưng tìm mua cây giống trồng mà không kiếm ra.
Bão số 12 quật ngã 1.500ha keo tại xã Xuân Lãnh. Dọc theo các vùng gò đồi thôn Lãnh Trường, Lãnh Tú, Xí Thoại (xã Xuân Lãnh), người dân tranh thủ tận thu keo đổ bán gỗ dăm để trồng lại. Tuy nhiên, do khan hiếm keo giống nên nông dân bỏ trống đất. Ông Nguyễn Văn Lâm, ở thôn Lãnh Tú, cho biết vài hôm nữa trời ngớt mưa ông tính ra Bình Định mua cây giống.
Được biết, bão làm hư hại 700.000 cây giống lâm nghiệp của các cơ sở ươm cây giống Hồng Phúc, Ngọc Trinh, Hoài Diên vì bị ngập nước, ước thiệt hại 200 triệu đồng. Vì thế sau bão trên địa bàn huyện khan hiếm giống cây lâm nghiệp là đương nhiên.
Tình trạng khan hiếm keo giống không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà các nơi khác cũng tương tự. Chỉ tính riêng xã Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) có 8 vườn ươm cây giống lâm nghiệp theo phương pháp giâm hom với quy mô từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn bầu cây keo lai, nay không còn cây giống nào để bán.
Những ngày qua, hai bên đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ từ xã An Thọ (huyện Tuy An) đi xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), nhiều rẫy keo ngã đổ la liệt, nông dân cưa, chặt, bán cho thương lái kiếm được đồng nào mừng đồng nấy.
Đang bốc keo lên xe tải để bán cho thương lái, chị Lê Thị Kim Thảo ở xã Sơn Long, chia sẻ: "Nhà có 6ha nhưng chỉ bán loại keo lớn. Keo nhỏ khoảng 1 - 2 năm không bán được. Rừng ở đây thiệt hại khoảng 50%. Trung bình đầu tư từ 20 - 30 triệu/ha nhưng thương lái mua chỉ độ 6 - 7 triệu, lỗ bục mặt".
Keo cưa sẵn nhưng đường lầy lún, xe không vào vận chuyển được |
Chị Thảo là một trong số những hộ trồng keo ở xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa may mắn khi bán được keo vì vườn nằm ngay mặt đường. Nhiều hộ khác do trời mưa to, đường lầy lún, xe không vào vận chuyển được đành phải ngậm ngùi để keo khô thành củi. Vốn liếng trồng lại cũng gặp khó khăn.
Xã Sơn Định, một trong những địa phương thiệt hại nặng về cao su và rừng trồng với hơn 1.300ha, hầu hết đều mất trên 50%. Ông Trần Minh Tiên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền kêu gọi các nhà máy chế biến gỗ đến thu mua keo tận thu nhưng do quá tải họ mua rất chậm. Một phần do các rẫy keo ở xa, đường vận chuyển lún sụt nên keo chất đống. Cao su thì bán được cây lớn, cây nhỏ bán cũng không ai mua.
Huyện Sông Hinh, diện tích cây keo và cây phân tán khác bị đỗ ngã là 617,57ha, trong đó keo là 604,3ha. Đến nay nông dân tận thu một nửa, còn lại do đường lún, giá keo nguyên liệu hạ xuống đáy. Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, việc tận thu keo còn gặp khó khăn, vì sau bão trời tiếp tục mưa kéo dài, đường giao thông bị hư hỏng bong tróc.
Cao su thì bán được cây lớn, còn cây nhỏ thì không ai mua |
Cơ sở giống cây lâm nghiệp Hồng Sum (xã Sơn Long, huyện Đồng Xuân) năm nay gieo ươm 2 triệu cây keo lai giâm hom, dân quanh vùng đã mua hết. Bà Nguyễn Thị Thu ở xã Sơn Long, sau khi tận thu 3ha cao su ngã đổ do bão, bà đi mua keo giống về trồng nhưng các vườn ươm trống trơn. “Tôi chặt vườn cao su gãy bán, tính trồng cao su lại nhưng vốn lớn quá, không có khả năng. Tôi đi hỏi mua keo giống, nhưng đến các vườn ươm chỉ còn ít cây lựa dạt ra, tôi đành về tay không”, bà Thu nói. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã