Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại QH sáng 16/11 |
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, các nội dung giám sát chuyên đề và chất vấn tập trung vào tái cơ cấu; công tác quy hoạch; quản lý rừng; xây dựng nông thôn mới; cơ chế, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kiểm soát vật tư đầu vào.
Tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và các đề án chuyên ngành cụ thể. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp; tăng cường vai trò của doanh nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình; bảo vệ và phát triển rừng gắn với hỗ trợ giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả... Hỗ trợ tín dụng, tháo gỡ khó khăn, thu mua tạm trữ lúa gạo; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; giảm thuế giá trị gia tăng đối với vật tư nông nghiệp; miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuỷ lợi phí cho các hộ gia đình, cá nhân trồng lúa. Ưu đãi ngư dân phát triển đội tàu đánh bắt cá xa bờ gắn với tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá.
Triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng các quy trình sản xuất tốt đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chính; triển khai các đề án nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản. Tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô; xây dựng thương hiệu gạo và các sản phẩm nông nghiệp quốc gia. Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao các giống có chất lượng, giá trị cao cho nông dân.
Đã phê duyệt 06 quy hoạch nông nghiệp, 12 quy hoạch lâm nghiệp, 15 quy hoạch thủy lợi, 10 quy hoạch thủy sản... Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa; tăng cường quản lý, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân.
Rà soát, công khai quy hoạch 3 loại rừng. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia. Ban hành quy định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông lâm nghiệp. Trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác.
Đã sửa đổi, bổ sung các tiêu chí; ban hành cơ chế chính sách, thực hiện nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2011 - 2015, đã huy động được khoảng 852 nghìn tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2015, cả nước đã có 1.132 xã (12,7 %) và 09 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2015 sẽ có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (16,8%), bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã (tăng 6,94 tiêu chí so với năm 2011).
Đến hết năm 2015, cơ bản hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản...). Hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu.
Đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông thôn. Vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 610 nghìn tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với giai đoạn 2006 – 2010 Vốn đầu tư toàn xã hội cho sản xuất nông, lâm, thủy sản gấp 1,6 lần giai đoạn 2006 - 2010. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 21%/năm, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (18,5%). Hàng năm, còn chi thêm 7 - 8 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Tăng trưởng nông nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,1%/năm. Giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, năng suất lao động đều tăng so với năm 2010.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu; sản xuất nông nghiệp nhìn chung hiệu quả chưa cao; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh; tiêu thụ nông sản và đời sống một bộ phận người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng nguyên liệu còn nhiều vướng mắc. Việc đổi mới, phát triển các mô hình tổ chức, liên kết sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; năng suất lao động nông nghiệp còn thấp. Quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và bảo đảm vệ sinh an toàn trong sản xuất, chế biến nông sản còn bất cập. Một số tiêu chí nông thôn mới còn chưa phù hợp; vốn đầu tư từ nguồn NSNN chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.