Học tập đạo đức HCM

Sản xuất nông nghiệp trước biến đổi khí hậu - Bài 2

Thứ tư - 26/09/2018 03:23
Nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, năng suất và sản lượng tăng đã góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Kiên Giang.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp  khiến nuôi trồng thủy sản ở tỉnh này bị ảnh hưởng, nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự ổn định, an toàn và bền vững, tiềm ẩn những mối nguy, rủi ro cao.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất thu hoạch đậu phộng (lạc). Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt/TTXVN

Nhạy cảm với môi trường

Phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang dựa trên các lợi thế về tự nhiên, phân bổ chủ yếu ở 3 vùng sinh thái: Tứ giác Long Xuyên tập trung phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp với diện tích quy hoạch 2.600 ha; vùng U Minh Thượng phát triển mạnh mô hình tôm - lúa luân canh 89.000 ha, nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến 37.500 ha và các loại hình nuôi kết hợp như: tôm - cua - lúa, tôm - cua - sò - lúa,…. Vùng biển đảo phát triển nuôi cá lồng bè với khoảng 3.000 lồng, sản lượng 2.300 tấn/năm và bãi triều nuôi các loài nhuyễn thể như: sò huyết, sò lông, nghêu, hến biển,…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ năm 2015 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tăng liên tục, năm 2017 là 240.630 ha, sản lượng hơn 217.000 tấn thủy sản các loại; trong đó, tôm nuôi 119.488 ha, sản lượng 65.190 tấn. Kế hoạch năm 2018 là 245.000 ha, sản lượng 230.000 tấn thủy sản các loại; trong đó, tôm nuôi 123.000 ha, sản lượng 69.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản đã góp phần tăng giá trị sản xuất, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Kiên Giang, giúp nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu, cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chia sẻ, nếu so với lợi thế tự nhiên, tiềm năng đất đai, mặt nước thì năng suất, sản lượng thủy sản hàng năm chưa tương xứng, nhất là nuôi tôm. Nguyên nhân do ảnh hưởng và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, con giống chưa đáp ứng yêu cầu, phát triển nuôi trồng thủy sản chưa thực sự ổn định, an toàn, bền vững và tiềm ẩn rủi ro cao.

Thực tế, vụ mùa tôm 2015 - 2016, do tác động của biến đổi khí hậu, mùa mưa kết thúc sớm, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã gây thiệt hại 22.188 ha tôm. Năm 2017, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại hơn 6.000 ha chủ yếu do các yếu tố môi trường biến động gây hại. Những tháng đầu năm nay, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng khoảng 2.000 ha và ảnh hưởng từ đầu vụ đến thời điểm này hơn 7.500 ha do dịch bệnh và sốc môi trường.

Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang cho biết, những tháng cao điểm của mùa khô thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ trung bình ngày đêm chênh lệch 7-10 ºC, rất bất lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi. Trong khi đó, con tôm là loài thủy sản rất nhạy cảm với môi trường, dễ khiến tôm bị sốc, giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công gây hại, bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Trước tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện, ứng dụng nhiều mô hình sản xuất ứng phó phù hợp và hiệu quả. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, mô hình kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn - lót bạt đáy, áp dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc… trong nuôi tôm nước lợ đã trở nên khá phổ biến, năng suất từ 10 - 12 tấn/ha/vụ có thể tăng lên 30 - 50 tấn/ha/vụ.

Tỉnh hiện có khoảng 300 ha nuôi tôm áp dụng theo hình thức này. Tiếp đến, tỉnh chuyển 1.000 ha mặt nước sang nuôi tôm công nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi 20.000 ha đất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa ở vùng ven biển Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, mở rộng diện tích nuôi xen thủy sản từ 30.000 ha lên 90.000 ha. 

Mô hình tôm - lúa với khoảng 80.000 ha ở vùng U Minh Thượng là “mô hình sản xuất thông minh” trong thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân thu về hai nguồn lợi kinh tế là tôm và lúa trên cùng một diện tích sản xuất; mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất nhiễm mặn đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài ra, nuôi cá lồng bè trên biển áp dụng công nghệ lồng tròn Nauy, kiểm soát môi trường thông minh, cho năng suất cao và ứng phó tốt với những điều kiện tự nhiên bất lợi trên vùng biển đảo do biến đổi khí hậu gây ra.

Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến nuôi trồng thủy sản, gia tăng chi phí đầu tư sản xuất, tiềm ẩn rủi ro cao, gây bất lợi cho lĩnh vực ngành nghề này. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang là phải thực sự ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2020, Kiên Giang bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản 211.430 ha, sản lượng 265.500 tấn, trong đó tôm nuôi 80.000 tấn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên để đầu tư sản xuất nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ, nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp, quảng canh cải tiến, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, cua biển và các loài nhuyễn thể ở những nơi có điều kiện theo hướng bền vững, an toàn, hiệu quả, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư các vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao; đánh giá đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, đặc biệt là xem xét đến tác động biến đổi khí hậu để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất thu hoạch đậu phộng (lạc). Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt/TTXVN

Tỉnh Kiên Giang tập trung xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể là lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động, cảnh báo thiên tai, thời tiết cực đoan; bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư các công trình hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, tập trung thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy Kiên Giang về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, Kiên Giang đầu tư 950 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi để đến năm 2020 hoàn thiện đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; hoàn chỉnh hệ thống đê biển, cống kiểm soát lũ, mặn. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nuôi thủy sản lồng bè trên vùng biển đảo.

Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất, cung ứng giống, đáp ứng nhu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh phục vụ nuôi trồng; phấn đấu đến năm 2020, sản xuất giống tại chỗ đáp ứng 70 - 75% nhu cầu giống các loài thủy sản nuôi chủ lực trong cơ cấu thủy sản nuôi. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản, nâng lên năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang- Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh, trong điều kiện biến đổi khí hậu có nhiều tác động, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ, bố trí vốn triển khai thực hiện hoàn thành các dự án, công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái trên địa bàn. Đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường thông minh ở những vùng nuôi trọng điểm.Tập trung nguồn lực hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là những công trình chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các khâu chuỗi giá trị, chú trọng phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại tôm…

Tác giả bài viết: Lê Huy Hải

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm165
  • Hôm nay17,987
  • Tháng hiện tại997,612
  • Tổng lượt truy cập91,061,005
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây