Ông Đoàn Xuân An, một nông dân trồng cam sành tại Hàm Yên (Tuyên Quang) và nhiều nông dân hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại với 300 nông dân ở Hải Dương ngày 9/4, các vướng mắc trong nông nghiệp sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Đó cũng là cuộc đối thoại đầu tiên của một Thủ tướng với bà con nông dân.
Cuộc trao đổi cởi mở, có trách nhiệm
Ông An chia sẻ, đây chính là cuộc trao đổi, cuộc phỏng vấn mà từ Thủ tướng đến các bộ, ngành đều cởi mở, có trách nhiệm.
Ông cho biết, cam sành Hàm Yên hiện có diện tích trong vùng quản lý là 7.600ha, nếu cộng với diện tích trồng tự phát nữa là trên 1 vạn ha. Sản lượng thu bình quân mỗi năm vào khoảng 100.000-120.000 tấn, cá biệt năm 2016 là 140.000 tấn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với nông dân dự buổi đối thoại |
Với sản lượng lớn đó, cam sành Hàm Yên đang bị dồn lại, ứ đọng vào thời điểm chính vụ nên hay bị tư thương ép giá.
Cách làm giãn vụ bằng phương pháp phun trên cây thì không bảo đảm an toàn, còn ủ cam bằng thuốc của Trung Quốc như ngày xưa không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cách duy nhất là xây dựng các kho bảo quản lạnh theo công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
"Chúng tôi đã đi tham quan nhiều mô hình kho lạnh ở các nước, thấy các kho được nhà nước hỗ trợ, bảo quản quả được 1-2 năm. Khi giá cam mà thấp thì đưa vào kho bảo quản, khi giá cao đưa ra bán. Làm như vậy họ nâng cao được chuỗi giá trị gia tăng cho người nông dân", ông An ao ước.
“Giả sử cam Hàm Yên có sản lượng 120.000 tấn/năm, nếu làm được kho lạnh như nước bạn thì giá trị chỉ tăng khoảng 2.000 đồng/kg. Lúc đó, tiền thu về sẽ được nhiều tỷ, hỗ trợ được người nông dân rất nhiều”, ông An nói.
Trong buổi đối thoại, ông đã thay mặt bà con kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ người trồng cam làm kho bảo quản lạnh, đồng thời đặt câu hỏi: Nếu được thì phương thức thực hiện như thế nào?
Ông Đoàn Xuân An, nông dân trồng cam ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang |
Ngay sau đó, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Bộ trưởng cho biết, trong tháng 4 này, Bộ sẽ tổ chức một đoàn chuyên gia, mời lãnh đạo Tuyên Quang và nông dân thăm Nhật Bản, tiếp thu công nghệ bảo quản mát của họ để áp dụng vào thực tiễn, nhất là vùng sản xuất cây có múi.
“Thật ra người nông dân đang gặp hạn, chẳng khác gì những thửa ruộng mà 2-3 năm không có mưa, bây giờ mưa xuống thì chắc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Khi được Thủ tướng tiếp nhận và giải đáp vướng mắc, chúng tôi phấn khởi lắm. Chỉ mong sau chuyến công tác của Bộ NN&PTNT sang Nhật, vùng cam Hàm Yên sẽ có những kho lạnh”, ông An hy vọng.
“Mọi vướng mắc trong sản xuất sẽ được giải quyết”
Ông Phạm Văn Hát, nông dân chế tạo máy nổi tiếng ở Hải Dương, có sản phẩm xuất khẩu đi 14 nước cũng cho hay, ông đã tham gia nhiều cuộc đối thoại với ban ngành, thậm chí cả với Bộ trưởng KH&CN. Song đây là lần đầu tiên ông tham gia đối thoại với Thủ tướng nên hy vọng trong thời gian tới, mọi vướng mắc mà ông gặp phải trong sản xuất sẽ được giải quyết nhanh chóng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Là một nhà nông sáng chế ra máy phun thuốc sâu, máy đánh luống, robot gieo hạt…, từ năm 2012 đến nay, ông có khoảng 30 đề tài sáng chế và đã áp dụng thành công vào thực tiễn. Mỗi năm ông xuất bán hàng trăm máy nông nghiệp các loại.
Ông Phạm Văn Hát, nông dân chế tạo máy ở Hải Dương |
Trong buổi đối thoại, ông đặt câu hỏi: “Làm thế nào để giúp những nhà sáng chế như tôi có thể đăng ký bản quyền sáng chế vì có rất nhiều thủ tục phức tạp. Thứ nữa, tôi thấy nông dân sáng chế được rất nhiều máy móc áp dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp nhưng không được hỗ trợ gì, trong khi các trường ĐH được hỗ trợ rất nhiều tiền, như thế liệu có công bằng?
“Riêng vấn đề vay vốn mở rộng sản xuất, Thủ tướng nói có gói 100 nghìn tỷ, NHNN cũng nói đã giải ngân được 40% gói 100 nghìn tỷ. Tôi hy vọng thời gian tới có thể vay được, song không quá kỳ vọng. Bởi, trong buổi đối thoại có 25 nông dân giỏi, sản xuất lớn nhưng ai cũng lắc đầu không vay được gói 100 nghìn tỷ đó”, ông Hát tâm sự.
Tại buổi đối thoại, đại diện NHNN cho hay trong 2 tuần tới ngân hàng sẽ làm việc với các nông dân này, tìm cách tháo gỡ…
Theo Vietnamnet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã