Học tập đạo đức HCM

Start-up Nhật “gây sốt” với công nghệ sản xuất giấy từ đá vôi

Chủ nhật - 18/06/2017 22:30
Sản xuất giấy Limex không cần tới nước và gỗ mà chỉ cần đá vôi - loại vật liệu “gần như không bao giờ cạn kiệt” trên trái đất...
Công ty khởi nghiệp có tên TBM của Nhật nhận được đầu tư nhiều tỷ Yên với công nghệ làm giấy từ đá vôi - loại vật liệu “gần như không bao giờ cạn kiệt” trên trái đất, thay vì dùng gỗ và nước như cách làm truyền thống, Bloomberg cho biết.
Theo TBM, để làm được một tấn giấy thông thường cần tới 100 tấn nước, trong khi đó, giấy làm từ đá của công ty này, còn gọi là Limex, không cần tới nước. Thay vì dùng 20 cây gỗ, họ chỉ cần chưa tới một tấn đá vôi và 200 kg chất đàn hồi polyolefin.
Nobuyoshi Yamasaki, nhà sáng lập công ty TBM cho rằng đây là câu trả lời cho những quan ngại về tình trạng phá rừng và thiếu nước sạch khi nhu cầu dùng giấy được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
“Tôi muốn trở thành một doanh nhân với một công ty sẽ tồn tại hàng trăm năm sau”, Yamasaki, từng là nhân viên bán xe, bỏ học năm 15 tuổi và bắt đầu với nghề thợ mộc, cho biết.
“Vật liệu của chúng tôi sẽ trở nên hữu ích tại những nơi đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng dân số và thiếu nước sạch trên thế giới”, Yamasaki chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của TBM ở quận Ginza, Tokyo.
Cuối năm 2016, TBM hợp tác với công ty in lớn nhất Nhật Bản Toppan Printing Co. để sản xuất poster, catalog và giấy dán làm từ đá vôi với tham vọng đạt doanh thu 50 tỷ Yên (444 triệu USD) vào năm 2020, thông cáo của hai công ty cho hay.
Theo đó, Toppan sẽ trả tiền bản quyền lên tới 1,5 tỷ Yên (hơn 13 triệu USD) để sử dụng công nghệ sản xuất giấy Limex của TBM.
Mới đây, TBM cũng nhận được thêm khoản đầu tư 1 tỷ Yên (khoảng 9 triệu USD) và dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu vào năm 2020.
Phần lớn doanh thu của TBM đến từ danh thiếp. Loại danh thiếp làm từ giấy Limex dai, chống ẩm tốt hơn so với danh thiếp giấy thông thường và thậm chí còn có thể viết dưới nước.
Công ty này cũng ký một hợp đồng làm thực đơn cho hơn 400 cửa hàng sushi của công ty Sushiro Global Holdings Ltd. trên khắp Nhật Bản. 


Start-up Nhật “gây sốt” với công nghệ sản xuất giấy từ đá vôi 1
Danh thiếp làm từ giấy Limex

Trong một lần du lịch, Yamasaki bị ấn tượng bởi những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi ở châu Âu. Vì vậy, ông khao khát làm được điều gì đó tương tự có thể để lại cho hậu thế. Năm 2008, ông được biết đến loại giấy làm từ đá ở Đài Loan.
Thời điểm đó, giấy làm từ đá không phổ biến vì trọng lượng khá nặng và chất lượng không đồng đều. Cùng với cộng sự của mình, Yuichiro Sumi, một nhân vật có tiếng trong ngành giấy Nhật Bản, Yamasaki phát triển công nghệ làm giấy từ đá của riêng mình. Chỉ trong 9 tháng, họ đã làm được loại giấy nhẹ, bền và chất lượng tốt hơn. Năm 2011, công ty TBM ra đời, chuyên phát triển công nghệ, sản xuất và bán giấy làm từ đá. 

TBM bắt đầu sản xuất đại trà vào tháng 6/2016 tại một nhà máy với công suất 6.000 tấn/năm ở tỉnh Miyagi, một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề bởi thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. Nhà máy này cũng phục vụ cho mục đích nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Giấy Limex vượt trội hơn giấy thông thường ở tính bền, chống thấm nước và ít phai màu theo thời gian. Theo trang japan.go.jp, loại giấy này nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.
“Chúng tôi nhận được phản hồi tốt nhờ ít tác động tới môi trường trong quá trình sản xuất và điều đó càng khiến chúng tôi tin tưởng hơn vào tiềm năng của loại giấy này”, Yamasaki chia sẻ.
Theo TBM, giấy Limex có thể thay thế giấy thông thường và nhựa. Chỉ cần 5% lượng giấy tiêu thụ trên toàn thế giới được làm từ đá vôi, chúng ta có thể tiết kiệm được lượng nước tương đương với nhu cầu hàng năm 220 triệu người. Công nghệ sản xuất giấy từ đá cũng có lượng khí thải nhà kính ít hơn 20% so với phương pháp thông thường.
Mục tiêu của Yamasaki là TBM đạt doanh thu 1.000 tỷ Yên vào giữa những năm 2030. Ông dự định sẽ mở hơn 100 nhà máy trên khắp thế giới, ở những nước có nguồn đá vôi dồi dào và nguồn nước khan hiếm như Morocco hay bang California của Mỹ.
TBM hiện có khoảng 80 nhân viên và đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 là 1 tỷ Yên, chỉ bằng một phần nhỏ so với doanh thu của các nhà sản xuất giấy lớn của Nhật và kế hoạch của chính công ty này trong 2 thập kỷ tới.
Trước mắt, kế hoạch tới năm 2020 của TBM là mở một nhà máy cho sản lượng 30.000 tấn giấy/năm.
Theo vneconomy.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập128
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại867,878
  • Tổng lượt truy cập90,931,271
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây