Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, những quy định này sẽ giúp bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị và cải cách thủ tục hành chính thuế.
Bắt kịp xu hướng chung
Phân tích vấn đề thuế suất thuế GTGT, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang đề nghị tăng mức thuế suất phổ thông từ 10% lên 12%. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính nhận thấy: Trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia, kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (thu nhập DN và thu nhập cá nhân), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (GTGT và tiêu thụ đặc biệt). Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016. Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến. Từ năm 2009 - 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông: Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản…
Một thống kê mới đây từ 112 nước của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%, trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.
Dẫn chứng thêm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho hay: Quay lại năm 1997, khi xây dựng Luật thuế GTGT, cơ quan soạn thảo đưa ra 4 mức thuế suất là 0%, 5%, 10% và 20%, trong đó 20% áp dụng cho nhóm khách sạn, dịch vụ, kinh doanh vàng bạc, đá quý, hoa hồng môi giới, đại lý vận tải,... Thời điểm này, khảo sát tại các nước láng giềng, các mức thuế Việt Nam đưa ra thuộc hạng thấp. Đến nay nhìn lại, mức thuế này ở các nước đều đã tăng lên, đơn cử, Singapore trước đây là 5% giờ đã tăng lên 7%, Nhật Bản là 5% giờ lên 8% và 1/9 sắp tới sẽ lên 10%. Nhìn vào lịch sử chuyển dịch cơ cấu về thuế ở nhiều nước trên thế giới, rõ ràng, thuế gián thu luôn được điều chỉnh tăng dần nên việc đề xuất điều chỉnh cũng có căn cứ.
Từ xu hướng chung đó của thế giới, cộng thêm những chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Quốc hội tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 và Chính phủ tại Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất 10% lên 12% kể từ 1/1/2019 để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bớt bậc, bớt thủ tục
Một nội dung sửa đổi nữa cũng có tác động đến khá nhiều đối tượng trong xã hội đó là điều chỉnh biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng giảm bớt bậc thuế. Theo quy định tại Luật thuế TNCN hiện hành, Biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35% cách đều. Tổng hợp những phát sinh từ thực tế thực hiện, Bộ Tài chính cho biết: Nhiều ý kiến phản ánh cho rằng Biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc. Ví dụ như: Quá nhiều bậc, giãn cách giữa ở các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều; thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp.
Để cải cách, Bộ Tài chính dự kiến cho sửa đổi Biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp và điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn. Cụ thể, phần thu nhập tính thuế mỗi tháng đến 10 triệu đồng thì chịu thuế 5%; trên 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng chịu thuế 10%; trên 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng chịu thuế 20%; trên 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng chịu thuế 28%; trên 80 triệu đồng chịu thuế 35%.
Cũng ở khía cạnh thúc đẩy cải cách, theo ông Phạm Đình Thi, nước ta đang chuyển đổi mô hình từ phát triển dựa vào các yếu tố cơ bản như tài nguyên, lao động giá rẻ sang phát triển dựa vào nâng cao hiệu suất. Thực tế thực hiện thấy rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia nằm ở chính DN và được thể hiện qua khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả của sản phẩm. Sự khác biệt về chất lượng và giá cả sản phẩm đến từ chính năng lực sáng tạo của các DN, trong đó yếu tố công nghệ, nhân lực có trình độ hiểu biết, sử dụng công nghệ là then chốt. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, chính sách thuế TNCN hiện hành chưa có quy định ưu đãi phù hợp để thu hút các cá nhân có trình độ chuyên môn cao vào làm việc trong ngành khoa học và công nghệ. Vì vậy, làm giảm sức cạnh tranh của các DN hoạt động trong các lĩnh vực này do thiếu nhân lực phù hợp để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đặc biệt khi các lĩnh vực như CNTT, nông nghiệp đang là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nước ta hiện nay.
Để phát triển hơn nữa cho lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và tháo gỡ khó khăn cho các DN nói riêng thì cần thiết phải có những chính sách tập trung thu hút các cá nhân có trình độ cao tham gia thực hiện trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin hoặc các lĩnh vực đang ưu tiên phát triển như nông nghiệp, chế biến nông sản. Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản thuộc: Dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục được ưu tiên đầu tư phát triển, danh mục sản phẩm được khuyến khích phát triển.
Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế nói trên hướng đến đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Cơ cấu lại nguồn thu Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế trước hết là để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội và giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển theo Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Bên cạnh đó, qua thực tiễn triển khai thực hiện các luật thuế thời gian qua, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của DN, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc phải sửa 5 Luật thuế vào thời điểm này là nhằm thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế. Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế là hết sức cần thiết, vừa thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, vừa góp phần khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho DN,... Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Lưu ý tăng trưởng bền vững dài hạn Tôi tán thành cách làm của Bộ Tài chính, đưa ra 1 Luật cùng lúc sửa đổi, bổ sung 5 luật. Điều này có ưu điểm là có thể nhìn nhận các vấn đề một cách tổng thể hơn để có cách nhìn chung, toàn diện hơn đối với tất cả các loại thuế, từ đó điều chỉnh có cái tiến có cái lui, hài hòa lợi ích của các bên. Phát huy ưu điểm này, cơ quan soạn thảo hoặc Bộ Tư pháp cần nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể của những thay đổi, trong đó đưa ra cụ thể ai hưởng lợi, ai thiệt hại từ sự thay đổi đó và những người bị thiệt hại sẽ được bù đắp như thế nào khi chính sách được áp dụng để tăng thêm tính thuyết phục. Việc đánh giá tác động cần suy xét trong bối cảnh kinh tế chung, bối cảnh thu nhập chung đang gặp nhiều khó khăn bên cạnh bối cảnh hội nhập. Các đề xuất đưa ra cũng cần hướng tới thúc đẩy tăng trưởng bền vững dài hạn thay vì giải quyết những vướng mắc trước mắt. |