Năm 2016 là năm thứ tư liên tiếp “Tự hào Nông dân Việt Nam” được tổ chức. Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện.
Mang ý nghĩa thiết thực trong ngày truyền thống
Sau tiếng vang, dư âm và hiệu ứng rất tích cực từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2013, Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” những năm về sau càng thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như của các cấp ủy, chính quyền. Chương trình không chỉ còn là hoạt động bề nổi hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập Hội NDVN hàng năm vào dịp 14.10 mà đã trở thành một sự kiện được đông đảo cán bộ, nhân dân, nhất là hội viên, nông dân cả nước mong đợi, hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ. Chương trình cũng nhận được sự đánh giá tích cực, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, các cấp ủy, chính quyền ở địa phương…
Năm nay, Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” đã có bước sáng tạo, đổi mới về chất, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và động viên, khích lệ mạnh mẽ tinh thần nông dân Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (thứ 2 từ phải) thăm trang trại trồng thanh long ruột đỏ của ông Nguyễn Hữu Nhân (Thanh Hóa)-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016.
ảnh: Nguyễn Công
Đó là lần đầu tiên chương trình tổ chức Đoàn Nông dân xuất sắc đi thăm quan, học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Hàn Quốc. Đây là hoạt động rất bổ ích, thiết thực. Chuyến đi không chỉ giúp những nông dân xuất sắc mở mang được kiến thức, tầm nhìn mới về sản xuất nông nghiệp của các nước trong khu vực, mà còn có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận với cách thức xây dựng, tổ chức, quản lý, vận hành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.
Tuy số lượng còn ít, nhưng hiện nay, Việt Nam đã và đang hình thành những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao. Thông qua chuyến thăm quan, học tập tại Hàn Quốc, sẽ giúp những nông dân giỏi hình thành nên những ý tưởng mới, để có những kế hoạch lớn trong sản xuất và kinh doanh sau này, từng bước hình thành nên lớp nông dân đi đầu trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp thông minh…
Một hoạt động rất mới, được cho là rất cần thiết và rất quan trọng của chương trình là lần đầu tiên sẽ tổ chức “Diễn đàn Nông dân Việt Nam”. Diễn đàn có sự tham gia chủ trì của lãnh đạo Chính phủ và với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2016. Đặc biệt, diễn đàn được đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và trực tiếp chỉ đạo diễn đàn.
Với chủ đề: “Nông dân toàn cầu - từ tư duy đến hành động”; diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu: Tạo không gian gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và đối thoại tập trung, cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân và giới báo chí truyền thông; cập nhật và phản hồi thông tin về cơ chế, chính sách cùng các vấn đề có liên quan đến nông dân, nhằm đảm bảo cùng hiểu đúng và tạo sự đồng thuận trong quá trình thực thi; lắng nghe và phản hồi những quan tâm, chia sẻ, đánh giá, kiến nghị của nông dân, doanh nghiệp; giao lưu, chia sẻ thông tin, thiết lập mối quan hệ và xúc tiến thương mại giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa nông dân với nông dân.
Kết quả của diễn đàn là cơ sở để T.Ư Hội NDVN tổng hợp báo cáo, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm góp phần nỗ lực giải quyết những khó khăn, thách thức, vướng mắc của nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống dân sinh cho các cộng đồng nông thôn, giúp nông dân hội nhập thành công…
Với việc tổ chức hai sự kiện mới này, Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” sẽ không chỉ đơn thuần là sự kiện bề nổi mà còn mang tầm gợi mở, là cơ sở để Hội NDVN đề xuất với Đảng, Nhà nước điều chỉnh hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông, nghiệp nông thôn và cũng là để góp phần đưa nông nghiệp, nông dân Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.
Lan tỏa các phong trào thi đua của Hội
Vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc, là vinh danh công sức, tài năng, sáng tạo của người nông dân đã dấn thân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cũng từng bước hiện thực hóa quan điểm: Người nông dân là “Chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”; Hội ND là “trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”; để giai cấp nông dân Việt Nam không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh giữ ổn định chính trị, bản sắc văn hóa, xã hội hài hòa, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Sau 4 lần tổ chức Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”, đã có 251 nông dân trên khắp mọi miền đất nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Đây là những nông dân đại diện cho sự năng động, giỏi giang, cần cù, chịu khó, sáng tạo và là những hội viên nòng cốt của Hội NDVN, là người có uy tín trong cộng đồng. Họ đều là những cán bộ, hội viên, nông dân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện 3 phong trào thi đua lớn của Hội NDVN.
Đó là các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Và như vậy, Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” còn góp thêm động lực để lan tỏa, thúc đẩy 3 phong trào thi đua lớn của Hội NDVN ngày càng phát triển đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Trước tiến trình hội nhập quốc tế, trước tình trạng biến đổi khí hậu, những khó khăn nội tại trong nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ phải đối mặt rất nhiều thách thức, khó khăn. Để phát triển nhanh, bền vững, khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động, vốn và tri thức khoa học công nghệ trong nông nghiệp; Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Hội NDVN cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tham gia có hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Một trong những giải pháp đó là Hội sẽ huy động các nguồn lực về con người, vốn, dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và dạy nghề, cùng với những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công những mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh ở quy mô hàng hóa, sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Chắc chắn, trong quá trình thực hiện, những “Nông dân Việt Nam xuất sắc” sẽ là những nhân tố tích cực đi đầu trong đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp nước ta.
“Nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh” – lời Bác Hồ chỉ dẫn năm xưa đang dần trở nên hiện thực và sinh động trên khắp mọi miền Tổ quốc bằng tất cả niềm tin, nghị lực, sáng tạo và dấn thân của người nông dân Việt Nam vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã