Dâng hương tại ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: H.P
Hồi tưởng qua tháng ngày không ngớt khói hương
Tháng 7/1968, Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã ghi một dấu son chói lọi trên con đường chiến lược Trường Sơn, góp phần cùng quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Trải qua nửa thế kỷ, mảnh đất từng được mệnh danh là “chảo lửa, túi bom” đang mạnh mẽ vươn lên, viết tiếp trang sử mới trong cuộc hành trình xây dựng đổi mới.
Những ký ức, thước phim tài liệu về ngã ba Đồng Lộc anh hùng không bị thời gian làm phai mờ. Nhớ về một thuở “bom ném ở đâu, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) có mặt ngay ở đó” để san, lấp, mở đường cho xe chi viện của miền Bắc ra tiền tuyến miền Nam. Trong hành trình trở về thăm chiến trường xưa ở Ngã ba Đồng Lộc, Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân (SN 1945, trú xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) vẫn chưa thể nào quên những hình ảnh ở tuyến lửa này: “Những người lính phá bom chúng tôi không hề suy nghĩ đến sự sống - cái chết mà chỉ có một nhiệm vụ thường trực trong đầu là gỡ được nhiều quả bom để đảm bảo mạch nối giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Ngày 24/7 năm nay vừa tròn 50 năm trước, ngay tại mảnh đất này, 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trong lúc đang đào, lấp hố bom để thông đường. Đồng Lộc đã đi vào lịch sử với sự hy sinh to lớn của hàng trăm anh hùng liệt sĩ trên từng tấc đất thân yêu. Đặc biệt là 10 cô gái TNXP tuổi mới mười tám, đôi mươi - những người đã mãi mãi nằm lại nơi này. “Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo/Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường”, ông Ân nghẹn ngào. Với tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai lập gia đình, dù không kịp chứng kiến ngày đất nước thống nhất nhưng máu xương của các chị đã hòa tan vào non sông, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc.
Tháng 7 lịch sử, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc chưa khi nào ngớt khói hương, mảnh đất linh thiêng này mỗi ngày đều có hàng trăm người tìm về để tri ân những người con gái đất Việt mãi mãi nằm dưới mưa bom của giặc Mỹ. Tính từ đầu năm 2018 đến nay đã có gần 200.000 lượt người về Khu di tích để dâng hoa, thắp hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã có hàng ngàn lượt người từ khắp mọi miền Tổ quốc về Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc để dâng hoa, thắp hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc. Từ đầu tháng 7/2018 cho đến chiều ngày 22/7/2018 đã có gần 30.000 lượt người về Khu di tích để dâng hoa, thắp hương tưởng niệm, tri ân.
Đặc biệt, trong mấy ngày gần lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (tổ chức vào tối ngày 21/7) có thời điểm cao điểm đạt khoảng 3.000 lượt người/ngày.
Sức sống Đồng Lộc
Kỷ vật là bức thư của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi gia đình 5 ngày trước lúc hy sinh.
50 năm sau sự kiện 10 cô gái mở đường ở Ngã ba Đồng Lộc hy sinh, hơn 200 con người từng sinh tử có nhau, cống hiến cả tuổi xuân của mình để bảo đảm mạch máu giao thông nối miền Bắc với miền Nam đã có cuộc hội ngộ cùng nhau tại Ngã ba Đồng Lộc. Những chàng trai, cô gái TNXP ngày nào giờ đã ngấp nghé hoặc qua tuổi 70, gặp lại nhau, họ trào nước mắt xúc động khi nhắc đến những ngày tháng gian khổ, hào hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc được coi là “huyết mạch” trong mạng lưới giao thông chiến lược. Toàn bộ khu vực chiến trường Ngã ba Đồng Lộc nằm trải mình dưới dãy Trà Sơn, thuộc phạm vi các xã Đồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn, đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Theo ước tính, mỗi mét vuông đất ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.
Đến với Đồng Lộc, đâu đây lời thơ của nhà thơ Vương Trọng đã viết Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc với những câu thơ day dứt cho thế hệ mai sau: “Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…”.
Năm 2009, tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc được xây dựng từ sự đóng góp tự nguyện của nhiều người nặng lòng với Đồng Lộc. Tháp đứng trên quả đồi thuộc núi Mũi Mác, cách khu mộ 10 cô gái vài trăm mét, cao 7 tầng (36,6 m), 8 mái, kết hợp khai thác theo hình thức Đại tháp và Lầu vọng cảnh truyền thống được cách tân ở phần thân tháp.
Từ mảnh đất hố bom chồng hố bom, không cỏ cây nào sống nổi, nửa thế kỷ trôi qua, Đồng Lộc đổi khác từng ngày. Những đồi thông xanh rì, con đường 15 huyền thoại, nơi đã bị bom cày đi xới lại, nay thành QL15, được trải thảm nhựa phẳng lì. Đoạn QL15 chạy qua đây luôn tấp nập người và xe cộ đến viếng thăm Đồng Lộc.
Những ngày tháng 7 lịch sử, đi dọc dãy Trà Sơn, bên cung đường 15A, những đồi cam đẹp ngỡ ngàng, những ngôi nhà cao tầng khang trang… là minh chứng cho sức sống bất diệt của đất và người nơi đây.
Thượng Lộc ngày nay đang bừng lên sức sống mới trên vùng đất một thời từng xác xơ bởi sự tàn phá của chiến tranh. Ông Nguyễn Viết Chuân, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc chia sẻ: “Rộng gần 1.800ha nhưng chiếm một nửa là diện tích đồi núi, xã Thượng Lộc chú trọng phát triển kinh tế trang trại gắn với chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Đến nay toàn xã có 380 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm”.
Từ mảnh đất bom cày, đạn xới, chết chóc, Đồng Lộc hôm nay đã là một thị trấn với sự đổi mới, chuyển mình phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên. Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ tự hào, gần gũi và thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.
Tác giả bài viết: Hà Phương
Nguồn tin: giadinh.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã