Sự tham gia tự nguyện, tích cực và có trách nhiệm của người dân thực sự tạo ra nguồn lực rất lớn cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Ví như, năm 2016, cả nước huy động được 332.475 tỷ đồng để thực hiện chương trình, thì trong đó, ngân sách Trung ương là 7.374 tỷ đồng (2,2%), ngân sách địa phương 23.193 tỷ đồng (7%), còn lại là huy động bằng các nguồn vốn khác, mà từ người dân đóng góp chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Đối với bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là quốc gia đang phát triển như nước ta, nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Khi mà ngân sách Nhà nước của ta còn hạn hẹp thì sự tham gia của người dân là rất quan trọng. Sự ủng hộ của nhân dân sẽ quyết định sự thành công của các chương trình, dự án liên quan đến phát triển hạ tầng, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không chỉ vì việc đóng góp kinh phí, mà còn là ở sự sẵn sàng di dời, hiến tặng đất đai.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả to lớn đã đạt được thì cũng có những biểu hiện tiêu cực khi thực hiện các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương. Do nôn nóng muốn sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, nên có địa phương đã huy động sức dân một cách thái quá, khiến việc đóng góp xây dựng nông thôn mới trở thành một gánh nặng đối với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; gây bức xúc trong dư luận.
Từ những bất cập, hạn chế trong khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số nơi, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia vừa chấn chỉnh, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân.
Tất cả những việc có huy động sức dân, cần phải được giải thích, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, cùng chung tay hành động. Công tác tuyên truyền cần phải làm cho mỗi người dân hiểu rằng: Xây dựng nông thôn mới không chỉ vì sự phát triển của đất nước, của địa phương, mà trước hết và trên hết là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ đó, từng người dân cũng cần phải thấy trách nhiệm của mình trong việc chung tay với cộng đồng để thực hiện mục tiêu chung, vì lợi ích của chính mình.
Khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc huy động sức dân như thế nào, huy động tới đâu phải được bàn bạc, lấy ý kiến nhân dân, để có phương án hợp lý; tránh áp đặt, duy ý chí, thực hiện ào ào theo kiểu bổ đầu mà không tính đến những trường hợp đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn.
Những công việc vì nhân dân thì phải được dân đồng thuận, coi đó là việc của mình, thấy được trách nhiệm của mình, thì mới bảo đảm thực hiện thành công.
Tác giả bài viết: HỒ QUANG PHƯƠNG
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã