Hàng năm, giá trị nông sản xuất khẩu của khu vực Tây Nguyên mang về khối lượng kim ngạch xuất khẩu không hề nhỏ. Thế nhưng, đứng trước những thách thức mới của sự hội nhập kinh tế toàn cầu, Tây Nguyên vẫn thiếu những sản phẩm thực sự mang lại giá trị gia tăng cao.
Khâu chế biến nông sản vẫn còn rất yếu |
Theo các chuyên gia, do hạn chế trong khâu chế biến sản phẩm nên các DN đang “bán cái mình có” chứ không phải “bán cái thị trường cần”, dẫn đến lợi ích bị sụt giảm, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các địa phương. Nếu DN tham gia hợp tác trong các khâu, nhất là chế biến thì chắc chắn nông sản hàng hóa được nâng tầm và có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần.
Các chuyên gia nhận định, để gia tăng giá trị hàng hóa nông sản của các tỉnh Tây Nguyên, không còn cách nào khác là phải kêu gọi DN đầu tư phát triển vào công nghệ chế biến sâu; tạo sản phẩm có thương hiệu. Hiện tại, cả khu vực Tây Nguyên đều có chung thực trạng, hàng hóa xuất khẩu trong vùng chủ yếu là nông sản nguyên liệu hoặc bán thành phẩm ở mức độ chế biến thấp. Đa phần là chỉ mới qua công đoạn sơ chế. Đơn cử, đối với mặt hàng hồ tiêu chỉ dừng lại ở việc sấy khô và phân loại.
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện ngành công nghiệp hồ tiêu Việt Nam có 20 nhà máy chế biến. Trong đó, có 5 nhà máy của DN FDI. Các nhà máy đều có công nghệ hiện đại, đảm bảo có thể xử lý, chế biến các loại hồ tiêu đạt chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Với đa số các thị trường, ngành tiêu Việt Nam có thể đáp ứng mọi yêu cầu về chất lượng của các khách hàng như xử lý tiêu sạch theo ETO, tiêu sạch FAQ 400/450/480/500/550/600g/l, tiêu sạch tiêu chuẩn ASTA (cho thị trường Mỹ), tiêu xử lý tiệt trùng, thanh trùng (HTST)…
Nhiều nhà máy được đầu tư thiết bị chế biến hiện đại trong ngành chế biến hồ tiêu thế giới, đạt các chứng chỉ cao nhất hiện nay đối với mặt hàng hạt tiêu thế giới, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như chứng chỉ BRC-Food, HACCAP, GMP, LEED; ISO 22000; ISO 9001: 2008; SAN (RA)…
Thế nhưng xét về mặt giá trị và đa dạng hóa sản phẩm, hồ tiêu Việt Nam còn thua kém nhiều nước. Hiện chế biến hồ tiêu chủ yếu là làm khô và sơ chế thành tiêu đen phục vụ xuất khẩu. Sản lượng tiêu chế biến (tiêu trắng, tiêu bột) chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng khối lượng xuất khẩu của ngành tiêu Việt Nam.
Hay như đối với ngành hàng cà phê, tại Đăk Lăk, có khoảng 100 DN tham gia công đoạn sản xuất và chế biến, gồm cà phê nhân, bột, hòa tan. Thế nhưng, sản phẩm chủ yếu của các DN này lại là cà phê nhân phục vụ xuất khẩu, có giá trị gia tăng nhỏ, chất lượng không đồng đều.
Trong khi, hoạt động chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, những sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao thì tỷ lệ DN tham gia vào công đoạn này ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng số các DN tham gia sản xuất, kinh doanh ngành hàng này. Số DN có khả năng chế biến cà phê chất lượng cao xuất khẩu còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu khách hàng trên thị trường thế giới.
Thực trạng trên phản ảnh rõ nét những hạn chế về năng lực chế biến của vùng. Mặt khác, các nhà máy hoạt động gia công, chế biến chủ yếu lại nằm ngoài khu vực nên các tỉnh Tây Nguyên ít được hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong khâu bảo quản, chế biến. Các cụm, khu công nghiệp chưa thu hút được DN; dịch vụ hậu cần, kho bãi, tài chính, thanh toán... phục vụ hoạt động của DN ở Tây Nguyên kém hơn các vùng khác nên khó thu hút các DN đầu tư vào chế biến ở đây.
Các chuyên gia cho rằng, hiện thị trường tiêu thụ của nông sản đang ngày càng khó khăn hơn. Để hòa nhập thị trường thế giới, thì phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều thách thức khi phải vượt qua với các rào cản về kỹ thuật, thương mại…
Vậy nên, việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các bên liên quan. Trong đó, đặc biệt là vai trò của DN trong việc giữ vững uy tín thương hiệu, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, cần tổ chức lại hoạt động sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa. Để thích ứng với thị trường thế giới, đòi hỏi những mặt hàng nông sản chủ lực phải tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để làm được điều đó, theo các chuyên gia, các địa phương khu vực Tây Nguyên cần tập trung thu hút đầu tư, thu hút DN có năng lực thực sự tham gia xây dựng cơ sở chế biến mới, ứng dụng công nghệ và thiết bị mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với các ngành hàng như cà phê, hồ tiêu và cao su…, cần chú trọng thay đổi cơ cấu mặt hàng theo hướng chế biến sâu, đảm bảo chất lượng tốt. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa người trồng và DN chế biến để tạo thành chuỗi sản xuất phát triển bền vững…
Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành chế biến nông lâm sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đăk Lăk tập trung phát triển 9 ngành công nghiệp chế biến trọng điểm. Cụ thể, ưu tiên phát triển những lĩnh vực chế biến gắn với 5 nông sản chủ lực gồm: cà phê, ca cao, bơ, tiêu và cao su. Các ngành này sẽ từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 10%/năm. Theo đó, sẽ chú trọng thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2030, Đăk Lăk tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành chế biến nông, lâm sản trọng điểm khác gồm sắn, mía đường, thức ăn chăn nuôi và chế biến lâm sản nhằm tận dụng nguồn tài nguyên, phục vụ xuất khẩu… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã