Với ưu đãi này, hy vọng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng lên mạnh mẽ, vượt qua tỷ lệ 1% tổng số DN hiện tại.
PV: Thưa ông, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với DN nhỏ vừa và siêu nhỏ từ 20% xuống còn 15 - 17%, trong đó có DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Theo ông, những đề xuất điều chỉnh này sẽ tác động thế nào đến các DN?
- TS. Lưu Đức Khải: Tôi cho rằng với đề xuất giảm thuế TNDN từ 20% xuống còn 15 - 17% như dự thảo luật sẽ giúp DN giảm chi phí, có điều kiện tái đầu tư và sẽ nâng cao được hiệu quả sản xuất cũng như sức cạnh tranh. Đặc biệt, việc giảm thuế rất có ý nghĩa đối với các DN khởi nghiệp, bởi khi mới bắt đầu kinh doanh thường khó khăn. Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp mới có hơn 4.000 DN, chiếm tỷ lệ chưa đến 1% tổng số DN trong cả nước. Với sự ưu đãi này, hy vọng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng lên, vượt qua con số 1%.
PV: Tại dự thảo, Bộ Tài chính không chỉ đề xuất ưu đãi về thuế cho các DN nói chung, DN đầu tư vào nông nghiệp nói riêng mà còn ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao (CNC). Trong đó, DN nông nghiệp ứng dụng CNC được đề xuất thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm liên tiếp đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới... Theo ông, sự điều chỉnh này sẽ tác động như thế nào đối với các DN muốn đầu tư vào lĩnh vực này và các DN nên nắm bắt cơ hội như thế nào?
- TS. Lưu Đức Khải: Giảm thuế, tăng ưu đãi sẽ giúp cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC được thuận lợi hơn. Nhưng, điều quan trọng hơn là Nhà nước đã khẳng định đây là lĩnh vực được quan tâm, ưu tiên. Điều này cũng tạo tinh thần, động lực tốt, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC.
|
Hơn nữa, các DN CNC thường không “đứng một mình” mà phải liên kết với các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, các tác nhân khác để tạo chuỗi giá trị nông sản. Giảm thuế không chỉ tạo ra lợi ích cho DN CNC mà cho cả các thành phần khác khi tham gia vào chuỗi giá trị. Khi DN CNC nhìn thấy sự ưu ái của Nhà nước, từ những ưu đãi đó, DN tự thấy phù hợp và có lợi thì họ sẽ nắm bắt cơ hội để đầu tư. DN vốn dĩ rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin về thị trường hay tín hiệu của Nhà nước.
PV: Bên cạnh những ưu đãi đối với thuế TNDN, trong dự thảo sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) lần này, Bộ Tài chính bổ sung quy định giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực CNC làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản thuộc dự án ứng dụng CNC. Với đề xuất này, theo ông sẽ có tác động như thế nào trong việc thu hút nguồn nhân lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn?
- TS. Lưu Đức Khải: Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất đối với sản xuất nói chung và khu vực nông nghiệp CNC nói riêng. Bản chất của công nghệ là tri thức của con người, chính vì vậy thu hút được lao động có tri thức ở trong lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng. Để thu hút được nhân lực vào môi trường nông nghiệp CNC thì phải tạo môi trường thuận lợi như ưu đãi về thuế TNCN mà trong dự thảo luật đã đưa ra.
PV: Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích cá nhân hợp tác, liên kết sản xuất với DN như: Bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với phần thu nhập từ lợi tức cổ tức của thành viên hợp tác xã, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với cánh đồng mẫu lớn. Quan điểm của ông về đề xuất này thế nào?
- TS. Lưu Đức Khải: Có thể thấy, chính sách ưu đãi về thuế trong lĩnh vực nông nghiệp lần này đã được xây dựng có tính đồng bộ. Nếu trên là chính sách ưu đãi đối với DN thì đây là chính sách hướng đến các hộ nông dân, gia đình. Các chính sách này thực sự đồng bộ với nhau.
Trong quá trình sản xuất, một mình nông dân hay DN không thể tự sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa mà phải liên kết, hợp tác chặt chẽ thành chuỗi giá trị. Vì vậy, để chuỗi liên kết hoạt động tốt hơn thì các tác nhân trong chuỗi đó phải có lợi ích và quyền lợi phải tương xứng. Chính sách thuế này sẽ đảm bảo hơn về quyền lợi cho người nông dân. Bên cạnh đó, thực tế thu nhập của người nông dân hiện nay cơ bản là thấp, cho nên việc giảm thuế TNCN cũng là một hình thức “khoan sức dân”. Điều này cũng phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự hồ hởi cũng như lợi ích tốt hơn cho những tác nhân khi tham gia vào chuỗi giá trị đó.
PV: Theo ông, ngoài những chính sách hỗ trợ về thuế, cần có thêm chính sách gì để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn?
- TS. Lưu Đức Khải: Muốn thu hút đầu tư nói chung và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trước tiên Nhà nước cần phải tạo môi trường đầu tư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn thuận lợi, thông thoáng và thực sự hỗ trợ cho nhà đầu tư.
Theo đó, Nhà nước nên tháo gỡ các rào cản mà nhà đầu tư đang vướng như mặt bằng kinh doanh, vốn, giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Nông nghiệp như rủi ro về thiên tai, thị trường, chính sách… Các chính sách miễn, giảm thuế vừa nêu trên cũng góp phần tạo động lực cho DN muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư nông nghiệp như ban hành rõ danh mục đầu tư trong lĩnh vực này…
PV: Xin cảm ơn ông!