CôngThương - Đây là nhận định của TS Nguyễn Minh Phong- Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội tại buổi tọa đàm Chiến lược tăng trưởng xanh do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công thương TP Hà Nội) phối hợp với Viện Hanns Seidel (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức sáng nay (31/10), tại Hà Nội
Hiện nước ta vẫn đang phát triển sản xuất nông nghiệp là chủ yếu- chiếm gần 1/ 4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này đang phát thải nhiều khí nhà kính (CH4, NO2). Thống kê mới đây cho thấy: phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 43% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Theo dự báo, đến năm 2020, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong điều kiện bình thường chiếm khoảng trên 96 triệu tấn các bon CO2. Thêm vào đó, khu vực nông nghiệp ngày càng sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, các loại phụ gia, chất kích thích… Điều này sẽ có những tác động xấu đến môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Thêm vào đó, nền kinh tế vẫn đang ở trình độ công nghệ thấp, tiêu hao nhiên liệu nhiều. Tốc độ đổi mới công nghệ hiện đại còn hạn chế, cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng xanh chưa phát triển… Đây đang là những thách thức cho với chiến lược Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt.
TS Đặng Duy Thịnh- Nguyên Phó Viện Chiến lược và chính sách Khoa học công nghệ cho rằng, định hướng tăng trưởng xanh đối với Việt Nam được thực hiện càng sớm càng tốt. Bởi vì nó không chỉ liên quan đến vấn đề xanh hóa sản xuất mà còn tác động đến ý thức của người dân, xanh hóa lối sống và tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thực hiện tăng trưởng xanh phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Do thúc đẩy tăng trưởng xanh đòi hỏi chi phí lớn và có sự đánh đổi mục tiêu với tăng trưởng nâu (việc tăng trưởng khai thác quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên). Khi nền kinh tế có nền tảng vững chắc thì có thể đẩy nhanh chuyển hướng sang nền kinh tế xanh, nhưng khi kinh tế còn hạn chế như Việt Nam hiện nay, cần phải xem xét kỹ. Để chuyển từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, Việt Nam cần sắp xếp lại nền kinh tế. Quá trình này buộc phải giảm tốc độ tăng trưởng hoặc tự nó làm giảm tăng trưởng trong ngắn hạn và sẽ ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động. Đối với Việt Nam, một nước thu nhập trung bình còn thấp thì áp lực đẩy nhanh tăng trưởng để thoát khỏi đói nghèo và đuổi kịp các nước là rất cao. Chính vì vậy, cần phải có sự chuyển hướng hài hòa, nếu không Việt Nam sẽ gặp những vấn đề xã hội do sự chuyển đổi này gây ra.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng: muốn thực hiện các chính sách tăng trưởng xanh cần phải có công cụ kiểm soát và chế tài đối với các chủ thể của nền kinh tế. Vấn đề đo lường quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần được cải thiện. Xanh hóa trong sản xuất thông qua việc sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt là tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản giảm phát thải thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Tuyên truyền xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững cho người dân, thực hiện đô thị hóa bền vững…
Theo baocongthuong.com.vn