Tuy nhiên, quá trình này diễn ra còn chậm, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát huy tối đa hiệu quả, tạo những đột phá mới.
Những hướng đi mới
Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước đã mở ra những hướng đi mới đối với ngành NN. Không dừng lại ở khâu cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ, “cánh đồng mẫu lớn” còn thúc đẩy một cách tích cực mục tiêu tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, nhất là tiêu thụ hết lúa hàng hóa và gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, nhiều địa phương đang tích cực triển khai các mô hình tích tụ, tập trung đất đai. Đơn cử, tỉnh Thái Bình đã tích tụ, tập trung được 3.220 ha với quy mô từ 10 ha/mảnh; An Giang xây dựng cánh đồng mẫu lớn liền thửa, liền vùng với quy mô 50 ha trở lên.
Từ khi “cánh đồng mẫu lớn” ra đời và lan tỏa, chuỗi giá trị hàng hóa của hệ thống sản xuất lúa gạo được nâng cao, đặc biệt mối liên kết “4 nhà” (nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) ngày càng chặt chẽ. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở một số tỉnh, thành cho thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình này cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai
Ðể tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển NN với quy mô lớn, theo các chuyên gia pháp lý, trước tiên cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm quyền lợi cho người nông dân. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, có quy định phù hợp về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất NN của hộ gia đình, cá nhân.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, ngoài xóa hạn điền, công tác quy hoạch vùng cụ thể, bền vững trong phát triển NN cần được quan tâm trước tiên. Nếu không, vòng luẩn quẩn bỏ cây này, trồng cây khác vì có giá trị kinh tế cao hơn chắc chắn lại xảy ra. Nếu cứ như vậy, điệp khúc được mùa mất giá rất dễ lặp lại.
Qua ghi nhận ý kiến phản hồi từ nhiều phía, đặc biệt là hai chủ thể chính của “cánh đồng mẫu lớn” là người nông dân và doanh nghiệp, đa phần cho rằng, Luật Ðất đai năm 2013 đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất NN. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là việc nâng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm đối với các loại đất NN, mở rộng hạn mức giao đất cho các hộ nông dân, cho phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất… tạo điều kiện cho người sử dụng đất NN mở rộng sản xuất và yên tâm đầu tư lâu dài.
Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, quá trình tích tụ đất đai diễn ra còn chậm, cần tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát huy tối đa hiệu quả.
Được biết, trong năm nay, Bộ TN&MT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tạo bước đột phá về thể chế, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Mặt khác, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo lập cơ chế thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất NN quy mô lớn.
Tác giả bài viết: Gia An
Nguồn tin: baodauthau.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã