Cùng với các địa phương khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, công tác lấy nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2017 trên địa bàn Hà Nội cũng được tập trung cao độ.
Tận dụng tối đa nguồn nước
Nhận định khả năng cấp nước khó khăn trong vụ Xuân 2017 nên dù tới ngày 10/1, đợt lấy nước đầu tiên mới chính thức diễn ra nhưng nhiều DN thủy lợi đã chủ động vận hành các trạm bơm lấy nước từ sông Hồng trước nhiều ngày.
Tại trạm bơm Phù Sa thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi (ĐTPTTL) sông Tích, từ ngày 8/1, các tổ máy bơm đã được vận hành lấy nước vào hệ thống kênh dẫn. Ông Đặng Tuấn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty ĐTPTTL sông Tích cho biết, trong ngày 10/1, đơn vị tiếp tục duy trì vận hành 2 tổ máy bơm tại trạm chính (mỗi tổ máy có công suất 10.050m3/giờ) và 21 tổ máy bơm dã chiến với công suất mỗi máy 1.000m3/giờ. Trong khi đó tại trạm bơm Thanh Điềm thuộc Công ty TNHH MTV ĐTPTTL Mê Linh, 10 tổ máy bơm dã chiến đã được đơn vị này vận hành từ giữa tháng 10/2016 nhằm cấp nước sản xuất vụ Đông. Trong ngày lấy nước đầu tiên, 100% tổ máy thuộc trạm bơm Thanh Điềm được vận hành hết công suất lấy nước từ sông Hồng.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), trong ngày lấy nước đầu tiên, 5 DN thủy lợi của Hà Nội đã vận hành tổng số 94 trạm bơm với 192 tổ máy bơm các loại. Việc vận hành số lượng trạm bơm những ngày tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nhu cầu về nước của từng khu vực. Không chỉ tại các DN thủy lợi, ngày hôm qua, Ban Quản lý Cụm công trình đầu mối phân lũ sông Đáy (Sở NN&PTNT Hà Nội) cũng đã mở cửa van để tiếp nhận nguồn nước từ sông Hồng vào bổ sung cho hệ thống thủy lợi sông Đáy. Cùng với diễn biến mưa được dự báo còn tiếp diễn trong 1 - 2 ngày tới tại khu vực phía Bắc sẽ là thuận lợi “kép” bổ sung thêm nguồn nước cho nhu cầu nước sản xuất vụ Xuân 2017.
Không để thiếu nước sản xuất
Một vài năm trở lại đây, các huyện như Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh… luôn gặp khó khăn hơn về nguồn nước. Sở dĩ vậy bởi đây là những địa phương có diện tích canh tác vùng đồi gò và vùng bãi chiếm tỷ lệ lớn. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn nước cho những khu vực nêu trên rất được quan tâm. Tại các địa phương trên, các DN thủy lợi đã có phương án cấp nước từ một số hồ chứa lớn. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị quản lý các trạm bơm dọc tuyến sông Tích tập trung lấy nước sớm.
Ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội), nhận định vụ Xuân 2017, tiến độ gieo cấy của bà con sẽ chậm hơn. Thực tế, tổng diện tích đăng ký cấp nước đợt 1 vụ Xuân 2017 của các địa phương mới chỉ đạt dưới 10%. Điều này dễ dẫn tới hiện tượng đợt 1 không địa phương nào lấy nước, nhưng tới đợt 2 - đợt 3 thì dồn dập lấy nước khiến năng lực cấp nước bị ảnh hưởng. Để giải quyết tình trạng này, các địa phương đầu nguồn cần chủ động lấy nước sớm, tích trữ vào hệ thống ao hồ, sông ngòi, kênh mương… nhằm bảo đảm lượng nước phục vụ sản xuất khi có nhu cầu.
Theo khảo sát, tới ngày 10/1, tại nhiều địa phương, diện tích cây vụ Đông chưa hoàn tất thu hoạch vẫn còn khá lớn, tập trung tại một số địa phương có tập quán canh tác muộn. Để kịp thời lấy nước đổ ải vụ Xuân, chiều 10/1, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các địa phương đôn đốc bà con tập trung thu hoạch cây vụ Đông trước khi lấy nước đổ ải nhằm tránh tình trạng ngập úng gây ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Thực tế những năm qua, tập quán canh tác của bà con nông dân trên địa bàn TP có sự thay đổi theo hướng muộn hơn. Điều này sẽ khiến việc lấy nước bị “lệnh pha” - tức là thời điểm lấy nước không trùng khớp với thời điểm bà con tập trung đổ ải.
Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Thanh Nhã - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương cần tập trung lấy nước và trữ nước vào hệ thống các công trình thủy lợi. Đồng thời, triển khai thu hoạch sớm diện tích cây vụ Đông nhằm bảo đảm sản xuất vụ Xuân đúng khung thời vụ. Theo ông Nhã, quan điểm của Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là không tăng thời gian lấy nước! Do đó, các DN thủy lợi, các địa phương, cũng như sở, ngành liên quan cần chủ động phối hợp, tập trung nguồn lực nhằm tận dụng tối đa nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện, bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời nhu cầu nước phục vụ sản xuất cho bà con.
Theo Trọng Tùng/ Kinh tế đô thị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã