Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Trình Văn Sỹ. Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng, ông Sỹ, người được bà con nơi đây gọi là "tỉ phú vùng đất cù lao", lại có dáng vẻ của một người nông dân thật thà, chất phác trong bộ quần áo giản dị.
Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, bên tách trà nóng, ông kể rất nhiều câu chuyện về một thời gian khó. Năm 1981, ông Sỹ nhập ngũ, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, đến năm 1985 thì phục viên.
Ông Sỹ nhớ lại: "Ngày ấy, khi mới xuất ngũ trở về địa phương, vì chưa xin được việc làm nên tôi phải chạy xe ôm kiếm sống. Đồng tiền kiếm được không đủ nuôi vợ con, rồi tôi chuyển sang nghề bốc vác tại các bến xe, ai mướn gì làm nấy. Công việc bấp bênh, ngày được ngày không nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn".
Ông Sỹ chăm sóc vườn sầu riêng tiền tỷ của gia đình
Được cha mẹ để lại cho 3 công đất vườn, ông Sỹ quyết định chuyển sang trồng quýt. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, thị trường có nhiều biến động, giá cả không ổn định nên cây quýt cũng không hiệu quả. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy cây sầu riêng phù hợp ở vùng đất cù lao nên chuyển sang trồng theo phương châm: Lấy công làm lãi, có tới đâu đầu tư tới đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Với phẩm chất cần cù lao động, chịu khó học hỏi, dần dần ông Sỹ đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm rồi thành công ở mô hình trồng sầu riêng Ri6 cho trái trái vụ. Hiện với 1,5ha sầu riêng, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông còn đi đầu trong nhiều phong trào tại địa phương. Là đảng viên, ông Sỹ luôn phát huy vai trò "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" thông qua việc tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp trên lĩnh vực chuyên canh sầu riêng để bà con trong xóm ấp, trong xã cùng áp dụng.
Hành trình thiện nguyện
Trải qua những tháng ngày vất vả, hơn ai hết, ông Sỹ luôn thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân nghèo trong cuộc sống mưu sinh. Vì thế, đều đặn mỗi năm hai đợt, ông lại tổ chức phát gạo, phát quà tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo và những người lang thang, cơ nhỡ. Ngoài ra, hằng năm ông đều bỏ tiền túi của mình để đóng góp xây dựng 3-4 căn nhà tình nghĩa, tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
"Nhờ cây sầu riêng mà cuộc sống của người dân trong vùng cũng phần nào vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cảnh đời hằng ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh, chạy ăn từng bữa nên điều kiện chăm sóc sức khỏe còn khó khăn. Chính vì vậy, năm 2015, tôi thành lập phòng khám thuốc nam từ thiện điều trị miễn phí cho bà con" - ông Sỹ bộc bạch.
Trung bình mỗi ngày phòng thuốc thăm khám và điều trị cho gần 200 lượt người. Phần lớn bà con đến đây đều là những người nghèo. Đối với bệnh nhân ở xa, ông Sỹ còn miễn phí cơm trưa hoặc cho tiền tàu xe về.
Bà Huỳnh Thị Yến Tuyết ở huyện Cai Lậy cho biết: "Tôi bị bệnh khớp và tiểu đường nhiều năm nay nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện điều trị ở các bệnh viện lớn. Nghe nói phòng khám thuốc nam của ông Sỹ chữa bệnh không lấy tiền nên tôi tìm đến điều trị. Nhờ kiên trì uống thuốc nên giờ bệnh tình của tôi đã thuyên giảm".
Ngoài các hoạt động trên, ông Sỹ còn đấu thầu khai thác bến đò để phục vụ việc đi lại cho bà con hai xã Ngũ Hiệp và Tam Bình. Lợi nhuận từ các bến đò, hằng năm ông đều trích từ 300-400 triệu đồng để làm từ thiện. Mỗi ngày có hàng ngàn người qua lại nơi đây, có người biết đến ông Bảy Sỹ, có người không, nhưng ai cũng cảm thấy lạ lùng với chiếc bảng thông báo: "Cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh được miễn phí qua phà". Và người dân nơi đây ai cũng vui vì biết số tiền họ phải trả mỗi lần qua phà được trích một phần để làm từ thiện.
Chia sẻ với chúng tôi về những dự định trong thời gian tới, ông Sỹ cho biết: "Bên cạnh những việc đang làm, tôi sẽ hỗ trợ kinh phí khoảng 700 triệu đồng mua một chiếc xe cấp cứu đời mới, chuyên dùng phục vụ miễn phí cho bệnh nhân nghèo khu vực hai xã Ngũ Hiệp và Tam Bình, để việc chăm sóc sức khỏe của bà con được bảo đảm hơn".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã