DN đã chủ động
Lợi ích của việc tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị có thể thấy được rất rõ trong việc giúp các DN đẩy mạnh kết nối, gia tăng giá trị sản xuất, có được nguồn cung ứng nguyên phụ liệu dễ dàng hơn. Đây là giải pháp giúp DN có thể phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; vì thế trong các khuyến nghị về kế hoạch phát triển ngành, việc hình thành chuỗi liên kết của các DN luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, DN có thể thực hiện liên kết theo chiều ngang với những DN cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; giúp DN gia tăng giá trị, đảm bảo sản xuất cũng như đầu ra.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thông qua các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại cùng công tác tuyên truyền, nhiều DN đã nhận thức được tầm quan trọng và đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động về liên kết ngành. Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH da giày Phương Quỳnh cho biết, nhờ làm ăn uy tín, DN nhận được nhiều đơn hàng đến từ Nhật Bản, nhưng số lượng lại quá sức với quy mô sản xuất của DN, do DN chưa có điều kiện để đầu tư mở rộng trang thiết bị. Vì thế, DN đã đàm phán với đối tác và thực hiện liên kết với các cơ sở, DN sản xuất da giày trong vùng để cùng sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ đó, đơn hàng không những được hoàn thành đúng chất lượng mà còn sớm hơn so với thời gian dự kiến, càng gia tăng uy tín của DN với đối tác.
Có thể thấy, liên kết ngành giúp các DN có thể thực hiện được toàn bộ công đoạn của quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Nên đây là giải pháp tối ưu không chỉ cho các DN nhỏ và vừa như trên, mà DN lớn cũng rất cần để thực hiện sản xuất. Tập đoàn TH với thương hiệu sữa TH True Milk là một ví dụ. Ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, dù nguồn lực lớn đến đâu nhưng DN cũng khó có thể tự mình làm hết mọi công đoạn sản xuất. Vì thế, DN phải liên kết với nông hộ vùng nguyên liệu để cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào. Nhưng để đảm bảo giá trị và chất lượng sản xuất, các DN, cơ sở sản xuất tham gia trong chuỗi cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, quy định về điều kiện sản xuất, chế biến… theo quy định của DN và tiêu chuẩn quốc tế.
Một lợi ích khác của liên kết ngành là trong vay vốn, DN sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ được ưu tiên vay vốn ưu đãi, bởi việc sản xuất theo chuỗi giá trị giúp dòng tiền khép kín, giúp ngân hàng có thể đánh giá và chấp nhận cho vay tín chấp. Vì thế, để tận dụng cơ hội này, nhiều DN cũng đã nỗ lực để tạo ra những chuỗi liên kết. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Cổ phần sản xuất và XK quế hồi Việt Nam cho hay, DN này đã liên kết, ký hợp đồng sản xuất hồi, quế hữu cơ với hơn 2.000 hộ nông dân, đồng thời còn thu mua nguyên liệu từ 5 đại lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn. Sau khi thu mua, DN sẽ tiến hành sơ chế, chế biến và XK vào nhiều thị trường, tập trung nhất là EU nên 95% doanh thu từ hoạt động XK, vừa tạo lợi nhuận cho DN, vừa tạo thu nhập cho người nông dân.
Phải tăng cường hơn
Mặc dù nỗ lực và nhận thức của DN đã có, nhưng nhiều chuyên gia đã nhận định, DN Việt Nam liên kết ngang hay dọc đều yếu, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Đại diện một DN ngành dệt may đã chia sẻ, DN đã cố gắng tạo thành một chuỗi liên kết giữa các DN cùng ngành và DN sản xuất nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành dệt may. Nhưng lại vấp phải khó khăn ngay từ khâu tìm kiếm đối tác, bởi các DN vẫn muốn giữ tư tưởng “mạnh ai nấy làm”, nên bắt tay hợp tác rồi nhưng nếu có giao dịch bên ngoài nhiều lợi ích hơn thì sẵn sàng rời bỏ liên kết. Trong khi kinh nghiệm tại nhiều nước phát triển trên thế giới, khi các DN cùng ngành tạo thành khâu liên kết, DN dệt liên kết với DN nhuộm, DN may liên kết với DN nguyên phụ liệu… sẽ giúp giá trị đầu vào của sản phẩm giảm đi nhiều, cũng như giúp tiết kiệm thời gian sản xuất.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội, DN với DN chưa tăng cường sự liên kết hợp tác với nhau, chưa đổi mới tư duy để bắt kịp những lợi ích của việc liên kết. Hơn nữa, các DN nhỏ và vừa luôn sẵn sàng tham gia vào chuỗi liên kết để nâng cao năng lực nhưng phải có sự tham gia dẫn dắt của các DN lớn đầu ngành; trong khi năng lực, tiêu chuẩn của các DN nhỏ và vừa lại không đủ đáp ứng trở thành “vệ tinh” của các DN lớn nên chưa đủ sức thu hút tạo thành chuỗi liên kết mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Như vậy, những lợi ích của việc liên kết ngành là rất nhiều, nên vấn đề là làm thế nào để liên kết các DN lại, giúp các DN có cùng tư tưởng, mục đích, vì sự phát triển chung của ngành và nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng hệ thống giải pháp có tính chiến lược cùng với sự phối hợp hành động giữa nhà nước, DN và hiệp hội; trong đó vai trò của các hiệp hội ngành nghề là rất cần thiết, để làm đầu tầu, đứng lên kêu gọi sự hợp tác. Thực hiện được những nhiệm vụ này, công tác tái cơ cấu các ngành kinh tế trọng điểm sẽ phát huy được hiệu quả tích cực, giúp DN phát triển bền vững.