Trúng mùa trúng giá
Nhiều nông dân tại Cà Mau cho biết, thời tiết năm nay thuận lợi hơn, điều kiện nuôi không gay gắt như năm trước nên có nhiều hộ thành công hơn. Ông Trần Quang Hiên - người nuôi tôm tại xã Tân Thành, TP.Cà Mau (Cà Mau) chia sẻ: “Tôi vừa thu hoạch vụ tôm đầu năm với tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 700 triệu đồng. Mức lãi này được xem là rất cao so với những vụ nuôi trước. Sở dĩ được như vậy là nhờ vụ tôm đầu năm thời tiết thuận lợi, cộng thêm giá tôm tăng cao”.
Còn ông Trần Minh Hoàng (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cho hay: Qua thực tế sản xuất cho thấy mô hình nuôi tôm siêu thâm canh chứng minh được hiệu quả vượt trội, giúp người nuôi tôm xử lý tốt nguồn nước, con tôm phát triển nhanh, giảm rủi ro dịch bệnh. Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có diện tích 1.700m2, vụ vừa rồi ước tính sau khi trừ hết các khoảng chi phí, tôi còn lãi khoảng 600 triệu đồng”.
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính tại Bạc Liêu mở ra nhiều triển vọng. ảnh: Chúc Ly
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, địa phương này có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất cả nước, với trên 302.861ha (chiếm 27,9% cả nước, 39% vùng ĐBSCL). Sản lượng nuôi hằng năm đạt gần 321.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt trên 9.664ha, riêng ao nuôi tôm siêu thâm canh gần 1.000ha, năng suất từ 80-100 tấn/ha/vụ nuôi, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Dự kiến đến cuối tháng 5.2018, tỉnh Cà Mau sẽ hoàn thành dự án đầu tư vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng chú trọng khuyến khích phát triển sản xuất giống thủy sản, UBND tỉnh cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất tôm giống chất lượng cao, chủ động nguồn con giống phục vụ nuôi tôm về lâu dài.
Trong khi đó, hiện Kiên Giang là tỉnh có diện tích thả nuôi theo mô hình tôm - lúa đứng đầu khu vực ĐBSCL và cả nước, với trên 90.000ha. Nông dân các huyện vùng U Minh Thượng đang phát triển mạnh hình thức luân canh tôm càng xanh với lúa hoặc xen canh với tôm sú, với diện tích khoảng 13.500ha. Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018, Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 120.640ha tôm sú và 2.360ha tôm thẻ chân trắng, phấn đấu sản lượng đạt 69.000 tấn.
Theo ghi nhận của phóng viên, giữa tháng 4, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tuy có giảm so với trước tết khoảng 2.000 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, tôm sú 20 con/kg có giá khoảng 280.000-290.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 100 con/kg khoảng 105.000 đồng/kg. Theo ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL, với giá này người nuôi tôm đã có lợi nhuận khá.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo kế hoạch, diện tích thả nuôi tôm của Việt Nam có thể mở rộng, đạt 800.000 đến 1 triệu ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Dự kiến nhu cầu con giống thả nuôi năm 2018 là 130 tỷ con. Giải pháp phát triển là tập trung nuôi theo công nghệ cao, nuôi 2 - 3 giai đoạn để nâng cao năng suất, chất lượng, phấn đấu đạt sản lượng 720.000 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 448.500 tấn, còn lại là tôm sú. |
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, xuất khẩu tôm quý I.2018 của tỉnh ước đạt gần 181 triệu USD, tăng gần 4,4% so với cùng kỳ. Theo ông Phan Thanh Sang - Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, thông thường vào quý II và IV hàng năm xuất khẩu sẽ tăng mạnh, khoảng 50% so với các thời điểm khác. Vì vậy, thời gian tới đây tình hình xuất khẩu và sản xuất tôm dự đoán sẽ khả quan hơn.
Ghi nhận tại các địa phương có diện tích sản xuất tôm lớn trong tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng khá nhanh, do đó đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, xí nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu tôm qua hơn 60 nước, trong đó thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU…
Còn theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, sản lượng chế biến xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2018 của tỉnh ước đạt 18.267 tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ, trong đó tôm đông lạnh đạt hơn 14.500 tấn.
Đầu tháng 3 vừa qua, tại hội nghị phát triển kế hoạch ngành tôm năm 2018, các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp, kế hoạch thả nuôi tôm năm 2018 và giới thiệu, triển khai kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Nhiệm vụ năm 2018 của ngành thủy sản là phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu. Chúng ta phải tập trung, nhằm vào các đối tượng có tiềm năng lợi thế lớn, đầu tiên là con tôm, sau đó là cá tra…
Theo Chúc Ly/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã