Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn, địa hình phức tạp, điều kiện khí hậu không thực sự thuận lợi; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là nông hộ, trong khi đất đai sản xuất eo hẹp, manh mún gây cản trở quá trình ứng dụng các tiến bộ KH-KT; giá cả vật tư không ổn định, việc đầu tư thâm canh cho sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn…
Tái cơ cấu ngành sau 5 năm, nông nghiệp Nghệ An đạt được nhiều bước tiến quan trọng |
Muốn giải được bài toán khó, việc xây dựng và triển khai Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020” là vô cùng cấp thiết.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, với tư cách là đơn vị chủ trì Sở NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản trọng tâm (Quyết định số 58/QĐ-SNN-KHTC ngày 24/01/2014 về kế hoạch triển khai thực hiện đề án trong toàn ngành; Quyết định số 73/QĐ/SNN-KHTC ngày 05/02/2016 về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa XVIII; Quyết định số 74/QĐ/SNN-KHTC ngày 05/02/2016 về việc ban hành kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp và PTNT 5 năm 2016 - 2020) để tạo đà thực hiện, đồng thời chỉ đạo các lĩnh vực xây dựng đề án, kế hoạch triển khai đồng bộ.
Sau 5 năm chung tay gắng sức, ngành NN-PTNT tỉnh Nghệ An nhìn chung đạt được nhiều kết quả khả quan, các chỉ tiêu cơ bản của ngành đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2017 đạt 4,5%, năm 2018 ước đạt 4,8%; cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ; tại khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người tăng 1,42 lần so với năm 2013, ngược lại tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 7,54%, giảm 12,24% so với năm 2013...
Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngành đã thực hiện chuyển đổi được 8.949ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn, cơ cấu thay đổi theo hướng giảm diện tích lúa lai, tập trung sản xuất lúa chất lượng, có giá trị cao và dễ tiêu thụ (riêng năm 2018 toàn tỉnh có 59.581ha lúa chất lượng cao, tăng 36.581ha so với năm 2013).
Các địa phương từng bước đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp là trung tâm, áp dụng các sản phẩm có lợi thế của tỉnh (lúa, ngô, lạc, chè, mía... ). Bên cạnh đó, tích cực ứng dụng tiến bộ KH-CN, các quy trình sản xuất tiên tiến, đưa cơ giới hoá và các bộ giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất (năm 2017 diện tích lúa lai còn 22%). Đến nay đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô trên 9.500ha.
Về chăn nuôi, đã tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch trên cơ sở định hướng cơ cấu lại và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, trong đó tập trung chuyển dịch vật nuôi theo hướng tăng quy mô đàn trâu bò ở khu vực miền Tây, nhất là bò sữa, bò thịt chất lượng cao. Đẩy mạnh các quy trình chăn nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, kết hợp tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nâng cao chất lượng giống.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, GĐ Sở NN-PTNT khẳng định, quá trình tái cơ cấu trong 5 năm qua tại địa phương được triển khai đồng bộ, toàn diện. Từng bước đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nhiều địa phương, đơn vị mạnh dạn áp dụng tiến bộ KH-CN vào thực tiễn, điều này góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi, hiệu quả trên cùng đơn vị canh tác được cải thiện rõ rệt. |
Công tác thú y được các cấp, ngành đặc biệt lưu tâm, nhất là khâu kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Nhằm phát triển theo hướng bền vững, ngành thực hiện tái cơ cấu lại dưới hình thức chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại, gia trại ứng dựng công nghệ cao (toàn tỉnh hiện có trên 320 trang trại chăn nuôi, trong đó số trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại 226 trang trại).
Cùng với đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, kêu gọi có hiệu quả nhiều doanh nghiệp tham gia theo hình thức tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị nhằm đảm bảo VSATTP, giảm thiểu chi phí, tăng giá trị thu nhập.
Qua thống kế, Năm 2017 tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 215.623 tấn, tăng 9,7% so với năm 2013; tổng đàn trâu, bò đạt 737.600 con, tăng 9,38% so với 2013; tổng đàn lợn đạt 889.332 con; tổng đàn gia cầm đạt 22.002 ngàn con. Chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển nhanh, nổi bật là 2 dự án lớn về chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp của Cty CP Thực phẩm Sữa TH và Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamik)...
Ngay từ ban đầu, Nghệ An đã xác định lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình MTQG xây dựng NTM phải có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ tích cực cho nhau.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC ở Nghệ An |
Vì lẽ đó xuyên suốt 5 năm qua công tác xây dựng NTM nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo. Chương trình có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được người dân đồng tình hưởng ứng nên thành quả cứ thế đến như một lẽ tất yếu.
Sở NN-PTNT Nghệ An đã chủ động công tác tham mưu, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách để kích cầu, đồng thời lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Lúc này đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, nhiều vùng quê đã trở thành nơi đáng sống.
Phải thừa nhận hệ thống hạ tầng nông thôn trên địa bàn có bước chuyển dịch thần tốc, bộ mặt nhiều vùng quê chuyển biến trông thấy. Nhiều mô hình phát triển sản xuất đã hình thành, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân...
Đáng mừng nhất là việc nói không với căn bệnh “thành tích”. Nói có sách mách có chứng, nếu như thời điểm tháng 9/2016 trên địa bàn tỉnh còn nợ xây dựng cơ bản lên đến 751 tỷ đồng, thì hiện tại số nợ chỉ còn gần 42 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm nay sẽ xử lý dứt điểm.
Đến nay đã có 42% số xã (181/431 xã) và 3 huyện đạt chuẩn NTM; 46 thôn, bản đạt chuẩn theo tiêu chí của tỉnh; số tiêu chí các xã đạt bình quân 14,54 tiêu chí/xã.
Giai đoạn 2013 - 2018, tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hơn 40 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhiều dự án quy mô lớn, ứng dung công nghệ cao đã được triển khai (Dự án NM chế biến gỗ MDF tại Nghĩa Đàn; Dự án NM chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn; Dự án chế biến thủy sản tại Nam Cấm; Dự án chăn nuôi lợn tại Quỳ Hợp của tập đoàn của Masan; Dự án xây dựng vườn ươm giống chanh leo công nghệ cao quy mô 1.500ha tại huyện Quế Phong...). Một số dự án đã góp phần bổ sung nguồn thu ngân sách cho tỉnh, đồng thời giải quyết nhu cầu cấp bách về việc làm cho lao động địa phương, điển hình như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Cty TH (1.200 lao động/năm, nộp ngân sách 177,346 tỷ đồng/năm); dự án Cty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga (300 lao động/năm, nộp ngân sách 23,57 tỷ đồng/năm…) |
Tác giả bài viết: VIỆT KHÁNH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã