Ông Trần Đức Vĩnh (phải) trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hội ND xã Phú Cường về việc sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: T.N |
Xuất thân từ gia đình đông anh em, lại nghèo khó, “gia tài” chỉ vỏn vẹn có 3 công ruộng (1 công = 1.000m2), nhờ say mê học hỏi, chí thú làm ăn đến nay ông Trần Đức Vĩnh, ngụ ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã sở hữu hơn 300 công đất ruộng, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Ai bảo trồng lúa là nghèo
Bằng những nỗ lực của bản thân ND Trần Đức Vĩnh đã được Trung ương Hội NDVN tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 và nhiều giấy khen của huyện và tỉnh.
Vốn sinh ra trong một gia đình ND nghèo, ông Trần Đức Vĩnh sớm làm quen với ruộng đồng, xem đó là “nghề chính” để mưu sinh, kiếm sống. Năm 12 tuổi, ông theo cha mẹ đi làm thuê đủ thứ việc như: Sạ lúa, cắt lúa mướn... với cuộc sống khá vất vả, khổ cực. Học hết lớp 4, ông nghỉ học phụ giúp cha mẹ lo cho các em. Vì thế, tâm nguyện lớn của ông là lo cho các con học thành tài, có nghề ổn định. Đồng thời, ông cũng khuyên các con phải biết phấn đấu vươn lên trong cuộc sống vì không ai có thể lựa chọn cho mình một gia đình đầy đủ và giàu có.
Năm 1986, ông Trần Đức Vĩnh nhập ngũ và 3 năm sau xuất ngũ trở về địa phương, ông lập gia đình, sinh con và được cha mẹ cho 3 công ruộng. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình rất vất vả, vợ chồng ông phải đi làm thuê, giăng câu, thả lưới không sót một nghề nào để có thể trang trải cuộc sống.
Tham gia môi trường quân đội, cộng thêm gốc gác nông dân, nên so về độ cần cù, chịu thương, chịu khó có lẽ khó ai bằng ông Vĩnh. Với 3 công ruộng trong tay, ông bắt đầu xuống giống trồng lúa, đồng thời làm thêm các công việc phụ khác để tăng thu nhập. “Tích tiểu thành đại” mỗi năm gia đình ông lại mua thêm đất, dần dần có thêm ruộng để canh tác. Bà Phạm Thị Lệ - vợ ông Vĩnh cho biết: “Vợ chồng đi lên từ điểm xuất phát thấp nên phải cố gắng nhiều, lấy tiết kiệm làm phương châm sống để có thể mua thêm đất và làm giàu từ đồng ruộng”.
Ban đầu, do không có vốn đầu tư, vợ chồng ông Vĩnh phải thuê đất lân cận, tích lũy dần dần rồi sau đó mua thêm đất. Đến nay, gia đình ông đã sở hữu hơn 300 công đất ruộng tại xã Phú Cường chỉ chuyên trồng lúa, trong đó có 100 công đất sản xuất 3 vụ/năm và 200 công đất sản xuất 2 vụ/năm. Chủ yếu ông dùng giống Jasmine 85 và OM 4900 vì phù hợp với vùng đất canh tác, cho năng suất cao, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết. Bình quân mỗi năm gia đình ông có thể thu nhập hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư.
Từ những tích lũy đó, ông có đủ điều kiện để xây ngôi nhà khang trang, mua thêm xe và lo cho các con ăn học. Quan niệm sống của ông rất rõ ràng, mỗi ngày làm một việc tốt thì lâu dài sẽ trở thành người hoàn thiện, mỗi ngày tích lũy một ít thì vài chục năm sẽ có được những gì mình mong muốn. Ông bà luôn động viên các con học tốt để sau này giúp ích cho xã hội. Hai con trai là niềm tự hào của họ. Cậu con trai lớn Trần Đức Thạnh, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành khoa học môi trường (Trường Đại học Cần Thơ) hiện đang học cao học; cậu con trai thứ 2 đang là sinh viên năm 2 ngành bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ), cũng là sinh viên xuất sắc.
Giúp ND cùng làm giàu
Năm 1996, Hội ND xã Phú Cường cử ông Vĩnh tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa và phòng trừ sâu bệnh. Từ đó, ông mạnh dạn áp dụng vào ruộng nhà để sản xuất lúa cho năng suất cao. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sạ hàng, sử dụng giống xác nhận, áp dụng phương pháp, mô hình 3G3T (3 giảm, 3 tăng), 1P5G (1 phải, 5 giảm), phòng trừ tổng hợp IPM... ruộng lúa của ông lúc nào cũng đạt năng suất cao.
Với suy nghĩ sản xuất lúa để phục vụ người tiêu dùng và chính bản thân, ông luôn hướng đến sản xuất lúa “sạch”. Hiện 200 công đất đã được ông hoàn toàn dùng phân bón sinh học, hạn chế thấp nhất việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, dùng 100% giống xác nhận để đảm bảo chất lượng, năng suất và giảm chi phí phòng trừ các loại sâu bệnh, nên ruộng của ông cho năng suất khá cao và ổn định, vụ đông xuân năng suất dao động từ 8 - 9 tấn/ha; vụ hè thu và thu đông dao động từ 6 - 7 tấn/ha- đều là mức cao kỷ lục trong vùng.
Bằng ý chí kiên cường vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, ông Trần Đức Vĩnh là tấm gương sáng được mọi người xung quanh tin tưởng và nể phục. Với đức tính thật thà, hòa đồng và giúp đỡ người khác, gia đình ông luôn được quý mến. Anh Phạm Văn Hậu, ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, hàng xóm của ông Vĩnh cho biết: “Bản thân tôi luôn nể phục ông Vĩnh bởi đức tính thật thà, chịu khó, luôn tìm tòi học hỏi và giúp đỡ mọi người. Ông đã chứng minh, muốn làm giàu không khó, khó là ở chỗ mình có đủ nghị lực để có thể làm giàu chính trên mảnh đất của mình hay không”.
Mặc khác, là hội viên Hội ND xã Phú Cường, huyện Tam Nông, ông luôn tích cực và đi đầu trong mọi phong trào ND, nhất là phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi; phong trào thi đua yêu nước do các cấp Hội phát động. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hội ND xã Phú Cường cho biết: “Ông Vĩnh là hội viên xuất sắc, luôn tiên phong trong các phong trào do các cấp hội đề ra. Tinh thần vượt khó và phát huy tính sáng tạo của ông giúp nhiều hội viên ND thoát nghèo bền vững”.
Chia sẻ với chúng tôi về “bí quyết” làm giàu từ cây lúa, ông Vĩnh chỉ nhẹ nhàng nói: “Làm nghề gì cũng vậy, phải chuyên cần mới giàu được. Đi buôn còn có lúc lời, lúc lỗ. Vấn đề chính là mình phải gom được một diện tích đất đủ rộng, để từ đó có thể áp dụng đồng bộ các khâu từ cơ giới hóa, tới giống, phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch mới có lãi được. Còn chỉ trồng có một vài công lúa nhỏ lẻ, người trồng lúa không bao giờ có hy vọng thoát nghèo”.
Theo ông Vĩnh, không giống nhiều hộ dân khác đổ xô đi trồng giống lúa phẩm cấp thấp, ông toàn trồng lúa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. “Bây giờ, người dân sẵn sàng bỏ ra 15.000-20.000 đồng để mua 1kg gạo ngon, sạch. Vậy tội gì mình không trồng các giống lúa ấy”- ông Vĩnh nói.
Tham vọng của ông Vĩnh là sẽ tiếp tục “gom” thêm diện tích ruộng của những người không muốn theo đuổi nghề trồng lúa nữa hoặc ông sẵn sàng thuê lại ruộng để làm. Bởi nói như ông là: “Tôi yêu ruộng đồng, tôi yêu cây lúa lắm!”.