Sau khi dự hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp”, chiều nay (30/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo của Lâm Đồng tại buổi làm việc, tỉnh quyết tâm tạo sự bứt phá, phát triển toàn diện các mục tiêu kinh tế xã hội trong năm 2018. Trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8,5 đến 8,7% so với năm 2017.
Sau nửa năm thực hiện nhiệm vụ, tăng trưởng kinh tế của Lâm Đồng đã đạt 8,85%. Tỉnh đặt mục tiêu cơ cấu nông lâm thủy sản chiếm khoảng trên 45%, dịch vụ khoảng trên 37%; thu nhập bình quân đầu người là khoảng 59 triệu đồng/năm. Số khách du lịch khoảng 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú khoảng 4 triệu người.
Nửa đầu năm 2018, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh tiếp tục phát triển tốt, tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng giảm. Tổng thu ngân sách của tỉnh đạt trên 3.600 tỷ đồng, bằng 53,5% kế hoạch năm.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xã hội hóa trong lĩnh vực này, thu hút người dân tham gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là nỗ lực giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đang ở mức 54%.
Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, nhưng không nóng vội phát triển hạ tầng có thể ảnh hưởng đến những đặc điểm riêng có của Thành phố Đà Lạt và Lâm Đồng.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu chủ đề của định hướng chỉ đạo là: “Lâm Đồng niềm tin mới, phát triển mới, chen lẫn với thách thức cũ và cần có bước đột phá”.
Từ những kết quả kinh tế xã hội tỉnh đạt được thời gian qua, Thủ tướng tin tưởng tỉnh Lâm Đồng sẽ đạt mục tiêu kinh tế xã hội năm 2018 và đề nghị tỉnh phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 9%. Các mũi nhọn kinh tế đều đạt kết quả ấn tượng, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch.
Điều đó cho thấy, Lâm Đồng không còn là địa phương “mất hút” trên bản đồ kinh tế Việt Nam mà ngược lại, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng và nhanh chóng trở thành cực tăng trưởng của khu vực miền Trung Tây nguyên và tương lai gần là cả nước.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, Thủ tướng tin tưởng tương lai không xa, Lâm Đồng không phải nhận trợ cấp ngân sách Trung ương mà ngược lại nếu nếu có sự phát triển đột phá, Lâm Đồng sẽ đóng góp trở lại cho ngân sách trung ương về trung hạn.
Thủ tướng đánh giá cao tỉnh thực hiện tốt quản lý ngân sách và tiếp kiệm chi tiêu, trong đó gom lại các xe công để vận hành chung và tiết kiệm được 50% chi phí. Đây là kinh nghiệm để nhiều địa phương khác nghiên cứu áp dụng.
Thủ tướng đánh giá cao Lâm Đồng sớm định hình chiến lược phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hình thành các mô hình chuỗi nông sản an toàn. Đặc biệt Lâm Đồng đã sớm bắt tay xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản địa phương, công bố thương hiệu “Đà Lạt-kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Cùng với đó là phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch khá thành công, thu hút đông đảo khách du lịch.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Lâm Đồng áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp và bước đầu đã lan tỏa trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù vậy, Thủ tướng cho rằng, Lâm Đồng dù có nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại và năng suất cao nhưng đóng góp của nông, lâm, thủy sản vào kinh tế chung còn khiêm tốn.
“Lâm Đồng nên khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến gắn với phạm vi nông nghiệp hiện có. Thay vì xuất khẩu thô, giá trị thấp, tại sao không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất, chế biến sâu để xuất khẩu. Nông nghiệp kết hợp với công nghệ cao là quan trọng, có vai trò tạo thu nhập ổn định, an lòng người dân địa phương. Song nếu không phát triển công nghiệp chế biến đi kèm thì thu nhập nông nghiệp dù tăng mức nào cũng sẽ chững lại, khó tăng hơn được nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Thủ tướng gợi ý “tam giác” phát triển Lâm Đồng: “Tam giác phát triển kinh tế cho Lâm Đồng, đó là mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao; góc nhọn thứ hai là công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; góc nhọn thứ ba là du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Theo cách này mới có thể phát triển bền vững tốc độ cao được. Chúng ta phải có ước mơ lớn, nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ, trung bình để phấn đấu”.
Thủ tướng cũng lưu ý những bất cập nổi lên đối với du lịch của Lâm Đồng, trong đó có việc giữ rừng bảo vệ và phát triển rừng. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu để mất rừng thông sẽ không còn Đà Lạt.
Bên cạnh đó, hạ tầng Đà Lạt đã quá tải, nhất là vào dịp du lịch cao điểm, các lễ hội. Trong khi đó, nhiều tài nguyên du lịch xuống cấp. Nhiều tài nguyên du lịch quý giá chuyển quyền cho tư nhân khai thác nhưng lại chọn không đúng đối tượng. Nhà đầu tư tư nhân kém năng lực cả tài chính và kinh nghiệm, quản trị, không có cam kết dài hạn mà chỉ bán vé thu tiền.
Thủ tướng cũng nêu thực tế nhiều đặc sản của Lâm Đồng bị trà trộn với sản phẩm kém chất lượng ở bên ngoài, nhưng vẫn được “khoác áo” sản phẩm Đà Lạt, gây mất niềm tin và suy giảm giá trị thương hiệu sản phẩm Đà Lạt. Tình trạng “cò” đặc sản phổ biến ở nhiều điểm du lịch, làm xấu hình ảnh du lịch Đà Lạt.
Từ thực tế đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Lâm Đồng cần phải có cơ chế để quản lý tình trạng này. “Quản lý Nhà nước chính là những việc cụ thể như vậy mà các đồng chí phải làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nêu một số câu hỏi còn trăn trở, cũng là gợi ý để Lâm Đồng phát triển.
Thủ tướng cho rằng, Đà Lạt nói riêng, Tây Nguyên nói chung là những vùng đất có các di sản lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, thời tiết khí hậu cảnh quan riêng có, không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực ASEAN, rộng hơn là Châu Á, nhưng lại chưa bật lên trở thành địa danh du lịch tầm cỡ quốc tế; chưa là vùng đất cung cấp những loại củ quả chất lượng cao cho thị trường ASEAN với 650 triệu dân, đưa nông nghiệp Việt Nam định vị cao trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp khu vực và quốc tế. Do đó, Thủ tướng cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần phải có ước mơ và tầm suy nghĩ lớn hơn để phát triển.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, Đà Lạt là thành phố ngàn hoa, nhưng liệu Đà Lạt đã là thương hiệu, là nhận diện quốc tế rộng rãi về thông điệp này hay chưa? Có loại hoa nào tiêu biểu xuất sắc của Đà Lạt như hoa Tulip của Hà Lan lan tỏa toàn cầu hay chỉ có một số loại hoa du nhập chưa có sự đặc sắc của Đà Lạt?.
Do vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, muốn du lịch địa phương nói riêng và toàn ngành du lịch thành công thì không chỉ biết Đà Lạt có những lợi thế gì, mà phải biết Lâm Đồng và rộng hơn là Tây Nguyên có những lợi thế phát triển gì.
Cùng với việc nêu một số vấn đề khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh thời gian tới phải xem xét lại sự phát triển kinh tế, bởi còn nhiều yếu tố chưa ổn định, chất lượng chưa cao. Cùng với đó là giải quyết tốt các điểm nghẽn trong du lịch, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách tại Lâm Đồng, nhất là tăng khách du lịch trở lại với Lâm Đồng.
Với cơ sở khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, Lâm Đồng phải hòa mình vào làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối người nông dân và người tiêu dùng gần nhau hơn. Đây là tiềm năng phát triển mạnh mẽ nông nghiệp Lâm Đồng nên tỉnh cần có bước đi sớm trong việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thứ 4 tại địa bàn./.
Theo VOV