Mục tiêu Hà Nội và TP.HCM giảm tỉ lệ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân từ 80% xuống còn 55% vào năm 2020. Nguồn: Internet
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2015 các bộ, ngành và UBND các thành phố trực thuộc T.Ư cần tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ mức độ phát triển và có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh triển khai thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng khối lớn theo đúng quy hoạch được duyệt.
UBND các thành phố trực thuộc T.Ư ngay trong quý III năm 2014 phải tập trung xác định các chỉ tiêu, mục tiêu định hướng cho việc giảm phương tiện cá nhân trên địa bàn. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ GTVT xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố. Quy hoạch và xây dựng mạng lưới cơ sở hậu cần phục vụ vận tải hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải hàng hóa trong đô thị. UBND các thành phố cũng sẽ xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố.
5 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ cũng sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng lập kế hoạch cụ thể và các giải pháp đồng bộ nhằm di dời một số cơ sở sản xuất, trường học, cơ sở y tế ra khu vực ngoại thành. Dành quỹ đất và ban hành chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích triển khai đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch.
Trước đó, tháng 11.2013 Bộ GTVT đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Đề án đã đặt ra mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM từ 80% xuống còn 55% vào năm 2020. Nghĩa là khuyến khích người dân đang sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang các hình thức vận tải công cộng hoặc phương tiện khác ít gây ô nhiễm, ùn tắc giao thông hơn.
Đề án của Bộ GTVT cũng nêu lộ trình thực hiện các công việc cụ thể cho hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó là một số biện pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng của xe cá nhân như phân luồng phương tiện cơ giới cá nhân, kể cả xe taxi trên một số tuyến phố theo giờ nhất định; nghiên cứu thí điểm chuyển đổi phí trông giữ xe thành giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội đô; áp dụng nhiều mức phí trông giữ phương tiện cơ giới cá nhân theo hướng giảm dần từ trung tâm thành phố ra khu vực ngoại thành; tổ chức thêm các tuyến phố đi bộ…
Theo danviet.vn