Phóng viên Hatinhtv đã thâm nhập một trong những cơ sở nấu rượu ở xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà. Hình ảnh đập vào mắt là men rượu không nhãn mác, không ngày giờ sản xuất, không thời hạn sử dụng. Mỗi ki-lô-gam men giá chỉ với 20.000 đồng có thể sản xuất hàng chục lít rượu. Lẽ dĩ nhiên đây là những cơ sở không nằm trong sự kiểm soát. Theo thống kê, mỗi ngày ở Hà Tĩnh có hàng trăm lít rượu tuồn ra thị trường, nhưng trên thực tế chỉ có 16 cơ sở nấu rượu được cấp phép.
Men rượu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ |
Sản xuất tùy tiện dẫn tới nguy cơ mất an toàn thực phẩm là điều dễ hiểu. Thế nhưng, ngay đến các cơ sở sản xuất muốn làm ăn nghiêm túc cũng là điều không dễ.
Hợp tác xã chăn nuôi lợn xã Thạch Long huyện Thạch Hà được Dự án phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh hỗ trợ. Người chăn nuôi phải cập nhật số liệu về con giống, thức ăn, thú y qua phần mềm Trace Verified với mong muốn chứng minh cho người tiêu dùng về chất lượng đầu vào trong quá trình chăn nuôi.
Thế nhưng, cập nhật là một chuyện còn khai thác lại là chuyện khác. Quá trình xuất bán, hầu như không có bất cứ doanh nghiệp nào đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc.
"Cái khó hiện nay là cần phải có doanh nghiệp mạnh hoạt động kinh doanh theo đúng quy chuẩn. Từ con giống, cơ sở chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, trong đó có cả phòng trừ dịch bệnh. Sau đó là quy trình giết mổ và cuối cùng là cấp mã vạch để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần phải có thời gian". Ông Nguyễn Tuấn Thanh, PGĐ Sở NN&PTNT – Trưởng BQL Dự án Phát triển NN Hà Tĩnh cho biết.
Không ai có nhu cầu truy xuất nguồn gốc, hoặc nếu có nhu cầu thì cũng khó có đủ điều kiện để thực hiện truy xuất. Hệ quả là ngay đến những nông dân muốn làm ăn nghiêm túc, thì cũng không thể hiện thực hóa được sự nghiêm túc của mình.
Trong sự dễ dãi chung thì điều tất yếu là nhiều nông sản đã được làm ra không theo bất cứ một quy trình an toàn nào. Và đây chính là sự tiềm ẩn thường trực về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Hà Tĩnh có đến 70% người dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Mà chỉ sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình nên chưa kiểm soát được khi họ đưa sản phẩm ra thị trường. Nên việc tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều". Ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh nêu thực trạng.
Theo xác nhận của Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Hà Tĩnh hiện có khoảng 40 mô hình trồng rau an toàn, 30 mô hình chăn nuôi theo hướng Viet Gap. Đây là con số hết sức khiêm tốn trong số hàng nghìn cơ sở sản xuất nông sản.
Và ngay đến những cơ sở sản xuất được tiếng là an toàn, thì sự xác nhận về mức độ an toàn cũng không phải được duy trì thường xuyên. Đơn giản, vì cơ quan chức năng thì luôn thiếu thốn trang thiết bị đánh giá kiểm định, người tiêu dùng thì hoặc là không có điều kiện, hoặc là chấp nhận phó mặc trong việc đón nhận sản phẩm như là một thói quen dễ dãi.
Theo Trần Long/hatinhtv.vn
http://hatinhtv.vn/detail/open/id/13967
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã