Áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến giúp tăng giá trị cho nông sản.
Thay đổi để phát triển
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai rộng rãi công nghệ mới, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình canh tác truyền thống sang mô hình canh tác hiện đại với sự tích hợp, kết nối chặt chẽ nhiều công việc khác nhau để đảm bảo hiệu quả canh tác tối ưu.
Ở Việt Nam, nhìn thẳng vào thực tế, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn chủ yếu theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên...trong khi việc ứng dụng công nghệ cao dựa trên số hóa và kết nối tạo ra mô hình nông nghiệp công nghiệp cao, nông nghiệp thông minh đã xuất hiện nhưng đến nay mới chỉ tạo ra được thêm khối lượng mà giá trị lại thấp, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao.
Là một nước với 70 % dân số làm nông nghiệp, Việt Nam cần phải là một quốc gia không chỉ tự chủ về nông sản, mà còn phải xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản trên thế giới. Muốn được như vậy, chúng ta cần có những sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Chúng ta cần phải ứng dụng những khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.
“Nếu nông nghiệp Việt Nam không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất, kinh doanh sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới” - theo GS Nguyễn Lân Hùng.
Không rập khuôn
Theo GS Võ Tòng Xuân, ở nhiều địa phương của Việt Nam, bà con nông dân đã sử dụng công nghệ cao bằng các nhà màng hàng thập kỷ nay. Trong điều kiện nhà màng, nhà kính, người ta đã áp dụng NN4.0 điều khiển khí hậu thích hợp để trồng được nhiều loại nông sản, trong khi tránh được các loại sâu bệnh từ bên ngoài. NN4.0 ở Đà Lạt cũng không thua gì ở các nước khác.
Trong khi đó, ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, NN4.0 chưa được áp dụng nhiều. Khí hậu ở đây vốn thuận lợi, có thể trồng không cần có nhà màng. Tuy nhiên, để tránh sâu bệnh phá hại, các tỉnh đều có xây dựng nhà màng công nghiệp cao để sản xuất nông nghiệp từ mấy năm nay. Đã có một mô hình ứng dụng NN4.0 được áp dụng ở Trà Vinh để điều khiển từ xa máy bơm nước vào ruộng khi độ mặn nước trong kênh giảm xuống. Ứng dụng tia laser điều khiển máy ủi đất để san bằng đất ruộng cũng đang được sử dụng khá nhiều tại các tỉnh đồng bằng. Một số “nông dân 4.0” cũng được biểu dương nhờ ứng dụng hệ thống tự động được lập trình điều khiển qua điện thoại di động để tưới nước, đuổi chim, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Theo GS Võ Tòng Xuân, muốn tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải có chọn lọc nội dung, phương pháp sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế và nguồn nhân lực hiện tại của nước ta. Đó là một bài toán khó giải. “Quan trọng là chúng ta không áp dụng cái gì quá sức của mình, không phô trương vừa tốn kém mà lại không thể áp dụng cho đông đảo nông dân”- GS Võ Tòng Xuân nói.
Áp dụng thương mại điện tử
TS Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong thời đại công nghệ ngày nay, một nền nông nghiệp thông minh chắc chắn sẽ phải sử dụng công nghệ cao tác động vào các phân khúc của chuỗi giá trị sản phẩm để tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Công nghệ ngày nay cũng đang giúp quảng bá cho ngành nông nghiệp mạnh mẽ qua việc sử dụng thương mại điện tử. Nhìn sang nền kinh tế thứ hai trên thế giới, có thể thấy ngành nông nghiệp của Trung Quốc phát triển nhanh là như công nghệ cao và thương mại điện tử được áp dụng rộng rãi.
Trong những năm qua, nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 trong khối ASEAN với 10 mặt hàng nông- lâm - thủy sản xuất khẩu có giá trị kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị kim ngạch trên 3 tỷ USD.
TS Đoàn Duy Khương khẳng định, việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao và thương mại điện tử sẽ tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần phát triển một nền NN thông minh của quốc gia và thực hiện tốt chiến lược của Chính phủ trong thời đại hội nhập kinh tế và khoa học công nghệ.
Theo http://daidoanket.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã